Đổi mới sáng tạo cần về tới các địa phương
Các doanh nghiệp địa phương chủ yếu vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp địa phương thiếu đổi mới
Xu hướng chung của các doanh nghiệp địa phương là chọn kinh doanh lĩnh vực đồ mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống, tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương.
Các chuyên gia thống kê, có hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất.
Do đó, cần thành lập cộng đồng cố vấn giúp startup tại địa phương có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nhà đầu tư, vườn ươm, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng vượt qua thời gian khó khăn.
Bà Nicole Nguyễn, CEO của Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global chỉ ra, nhiều doanh nghiệp địa phương thiếu kỹ năng giao tiếp, trao đổi, do đó cần các cố vấn chuyên nghiệp dành cho startup.
Đồng thời, ngoài kinh nghiệm kinh doanh và đổi mới, doanh nghiệp lớn tại địa phương có nhiều mối quan hệ về khách hàng, chuỗi cung ứng.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đề xuất, cần có luật và cơ chế rõ ràng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bởi đây là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có cơ chế cũng như hỗ trợ đặc thù, trong khi vấn đề đổi mới sáng tạo liên quan tới sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ.
Triển khai chuyển đổi số toàn xã hội
Dự Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Vietnam Venture Summit 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá sau 1 năm tăng đột biến của các quỹ đầu tư vào startup Việt Nam, đạt 800 triệu USD, thì năm 2020 lượng vốn chỉ hơn 200 triệu USD.
Nhưng trong bức tranh chung, cộng đồng startup đã có những điểm sáng. Đó là việc nhiều startup Việt nằm trong tốp đầu cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử, tạo các không gian làm việc chung…, có những doanh nghiệp, sản phẩm đã bắt đầu bước ra thế giới.
Phó Thủ tướng cho rằng các startup Việt Nam đã thiết thực hơn, sát với thực tiễn hơn, khai phá thị trường trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển.
Về mặt chính sách, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng startup lớn mạnh.
Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của doanh nghiệp và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Gần đây, nhiều nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nhân đạo… đã ra đời.
Tới đây, khi triển khai chương trình chuyển đổi số trong các có quan nhà nước, doanh nghiệp, toàn xã hội, Phó Thủ tướng tin tưởng chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng khởi nghiệp.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doi-moi-sang-tao-can-ve-toi-cac-dia-phuong-1606464831319.htm