Đổi mới, sáng tạo hướng tới mục tiêu hình thành Kho bạc số

BHG - Với mục tiêu hình thành Kho bạc 3 không “Không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy”, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Giang không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ.

Hoạt động giao dịch tại Phòng Kế toán Nhà nước KBNN Hà Giang.

Hoạt động giao dịch tại Phòng Kế toán Nhà nước KBNN Hà Giang.

Bám sát Nghị định của Chính phủ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực kho bạc, các kế hoạch của UBND tỉnh, KBNN Hà Giang hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) tham gia dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hướng tới kho bạc số, phối hợp với các đơn vị giao dịch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); công khai và quy định rõ thủ tục, hồ sơ, thời gian thanh toán từng nghiệp vụ theo quy định. Công tác cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa của hệ thống KBNN, đặc biệt về việc triển khai DVCTT là một giải pháp giao dịch điện tử giữa KBNN với các đơn vị SDNS thích ứng an toàn, linh hoạt trên nền tảng CNTT vững chắc, qua đó giúp hệ thống KBNN Hà Giang duy trì hoạt động thông suốt, kiểm soát các khoản chi hiệu quả và kịp thời; minh bạch trong công tác kiểm soát chi cũng như tiết kiệm được các chi phí hành chính, văn phòng phẩm đối với các đơn vị SDNS, đặc biệt với Hà Giang là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn. Tính đến ngày 1.8.2022, 100% các đơn vị SDNS tham gia giao dịch với KBNN thông qua cổng DVCTT (trừ các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng, các tổ chức và hội nghề nghiệp), tỷ lệ chứng từ điện tử đạt 99,8%. Số chứng từ thanh toán, tạm ứng của các đơn vị SDNS gửi đến cơ quan KBNN Hà Giang trong 8 tháng của năm 2022 đạt trên 147.000 chứng từ.

Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại KBNN mang lại những lợi ích và hiệu quả cao đối với công tác thu, chi NSNN: Đối với người nộp thuế, được lựa chọn các dịch vụ nộp đa dạng, văn minh, hiện đại với quy trình thu nộp đơn giản, thuận tiện, nhiều địa điểm và nhiều hình thức nộp tiền, rút ngắn thời gian nộp tiền, góp phần thực hiện công tác CCHC, thủ tục hải quan, thông quan được nhanh chóng, kịp thời. Đối với các khoản chi NSNN được thanh toán nhanh chóng, kịp thời, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế và phòng chống rửa tiền. Đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược của hệ thống, KBNN Hà Giang quyết tâm và là một trong những đơn vị đi đầu trong toàn quốc tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị SDNS, các cơ quan thu, các ngân hàng thương mại… và tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp triển khai Đề án thanh toán không tiền mặt qua KBNN Hà Giang. Theo đó, từ 1.10.2021, việc thực hiện thu, chi không dùng tiền mặt được đơn vị triển khai trên toàn tỉnh, đến nay đáp ứng tốt các mục tiêu đề ra: Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý, phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của hệ thống KBNN.

Trong công tác thanh toán và kết nối với các ngân hàng, KBNN Hà Giang thực hiện ký kết, phối hợp thu, chi NSNN với 4 chi nhánh ngân hàng thương mại, như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với gần 40 tài khoản chuyên thu và thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế có thêm nhiều lựa chọn để nộp các khoản vào NSNN được nhanh chóng và thuận lợi. Các khoản chi tiền mặt phát sinh tại KBNN Hà Giang đều được thực hiện rút tiền mặt tại trụ sở các ngân hàng thương mại qua quy trình thanh toán song phương điện tử; toàn bộ các khoản thu bao gồm thu thuế, phí, lệ phí, thu khác người nộp tiền đã thực hiện nộp tại ngân hàng thương mại nơi KBNN Hà Giang mở tài khoản chuyên thu.

Vượt lên khó khăn, KBNN Hà Giang từng bước trưởng thành vững mạnh, làm tốt vai trò “tay hòm chìa khóa” cho ngành Tài chính địa phương, góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh. Theo đó, đơn vị tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN và cấp ủy, chính quyền địa phương, chương trình hành động của ngành để chỉ đạo KBNN các huyện, các phòng nghiệp vụ thực hiện tốt hoạt động nghiệp vụ chuyên môn phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu và các ngân hàng thương mại trên địa bàn để tập trung kịp thời các khoản thu NSNN cũng như hạch toán và điều tiết chính xác cho các cấp ngân sách. Các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ, đặc biệt công tác thanh toán chi trả chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách; chi an ninh quốc phòng; chi lương và phụ cấp lương; chi cho y tế, giáo dục.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, KBNN Hà Giang triển khai kịp thời và hiệu quả công tác thanh toán qua DVCTT, các nhiệm vụ chi được đảm bảo; kịp thời kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cũng như góp phần thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công và cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin, số liệu thu, chi ngân sách phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Không ngừng cố gắng trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, duy trì truyền thống đoàn kết và thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật công vụ. Trong chỉ đạo điều hành, bám sát các quy định của cấp trên cũng như sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan trong khối Kế hoạch- Tài chính trên địa bàn. Đây là nền tảng quan trọng để KBNN Hà Giang quyết tâm cùng với hệ thống KBNN thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển đến năm 2030 theo Quyết định số 455/QĐ-TTg, hình thành Kho bạc số.

Bài, ảnh: Hải Hưng (KBNN tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202209/doi-moi-sang-tao-huong-toi-muc-tieu-hinh-thanh-kho-bac-so-0dd78ed/