Đổi mới sáng tạo khoa học trái đất, kinh tế tuần hoàn và tính bền vững
Ngày 11.2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học Quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 với chủ đề 'Đổi mới sáng tạo khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và tính bền vững'.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi; Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn GS.TS Trần Hồng Thái; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội GS.TS Vũ Minh Giang; Hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh và gần 100 nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này, đồng thời, khắc phục những sai lầm trong khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và làm khí hậu biến đổi, Hội nghị đã lựa chọn ý tưởng chủ đề có tính thời sự cao, phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Thông qua chủ đề Hội nghị, ông Hà gợi mở một số nội dung chính để các nhà khoa học cùng thảo luận, xây dựng và nhận được nhiều đóng góp đổi mới, sáng tạo từ tư duy đến đối tượng nghiên cứu và phương pháp luận nghiên cứu của các nhà khoa học khoa học Trái đất quốc tế và Việt Nam,
Cụ thể, trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu hiện nay, đặc biệt là để góp phần phục hồi sau đại dịch, giải quyết vấn đề sụp đổ hệ sinh thái, tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu đặt ra yêu cầu khoa học Trái đất phải đảm nhiệm vai trò và sứ mệnh mới. “Từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu, khám phá Trái đất để phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội mà không tuân theo quy luật tự nhiên, khoa học Trái đất cần nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng thuận thiên, tuân theo quy luật của tự nhiên; chuyển đổi từ khai thác bóc lột tự nhiên sang đầu tư, phục hồi tự nhiên”, ông Hà nói.
Bên cạnh đó, các ngành khoa học Trái đất cần tăng cường liên kết trong nghiên cứu, khám phá đầy đủ, toàn diện các giá trị, thông tin khoa học, dữ liệu lịch sử từ kho tàng địa chất, luận giải được lịch sử hình thành, phát triển của Trái đất, từ đó, có được những hiểu biết sâu sắc về Trái đất cũng như bài học kinh nghiệm từ những biến cố trong lịch sử để dự báo tương lai nhằm thích ứng, giảm nhẹ những thảm họa. Ngoài ra, các nhà khoa học Trái đất cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc tìm ra những giá trị mới, đưa ra được những giải pháp khả thi về chôn lấp, lưu trữ các-bon ở các mỏ đã khai thác; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu. Đồng thời, phát hiện tiềm năng giá trị địa chất, địa mạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thay thế cho khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo; đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Hội nghị khoa học Hanoi Geoengineering 2022 do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kyoto (Nhật Bản), Tổng cục Khí tượng thủy văn và các trường đại học đối tác trong nước, Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ và các trường Đại học, các Viện nghiên cứu từ Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ phối hợp tổ chức. Hội nghị hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong khoa học Trái đất để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Hội nghị đã thu hút 51 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 – 12.2.
Cũng tại Hội nghị, thay mặt ngành tài nguyền và môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao tặng GS Mai Trọng Nhuận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường”.