Đổi mới sáng tạo thúc đẩy số lượng startup Việt tăng vọt

Hội nghị phát triển dịch vụ CNTT Việt Nam 2019 (Vietnam ITO Conference) với chủ đề 'Việt Nam – Điểm đến cho đổi mới sáng tạo' được tổ chức hôm 24-10 tại TPHCM đã cho thấy nhiều kết quả đáng ghi nhận của doanh nghiệp Việt về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới và tăng cường đổi mới sáng tạo. Trong đó, hoạt động khởi nghiệp cũng là điểm sáng với số lượng các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á - 3.000 startup tính đến 2019.

Sự kiện VNITO 2019 ghi nhận các chuỗi hoạt động tăng cường chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới... của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam.

 Gian hàng hỗ trợ doanh nghiệp gia công sản phẩm/dịch vụ ở thị trường Mỹ với sự kết nối của trung tâm khởi nghiệp Thung lũng Silicon. Ảnh: Chí Thịnh

Gian hàng hỗ trợ doanh nghiệp gia công sản phẩm/dịch vụ ở thị trường Mỹ với sự kết nối của trung tâm khởi nghiệp Thung lũng Silicon. Ảnh: Chí Thịnh

Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Phần mềm TMA Solutions cho biết, doanh nghiệp đang tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo bằng cách ứng dụng công nghệ mới, đào tạo các kỹ sư có kiến thức về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)...

Mới đây, TMA Solutions cũng thành lập một trung tâm sáng tạo phần mềm ở tỉnh Bình Định - TMA Innovation Lab, đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của TMA.

Bà Phạm Thị Tuyết Loan, Giám đốc công nghệ của NashTech (thành viên của Tập đoàn Harvey Nash của Anh Quốc), trong phần trình bày của mình nhấn mạnh tới yếu tố sống còn của việc chuyển đổi số và cập nhật công nghệ mới của doanh nghiệp. Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số (Digital Transformation) toàn cầu sẽ lên tới 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Bà Loan cũng đề cập tới yếu tố quan trọng của việc ứng dụng các công nghệ mới như Wifi Mesh (kết nối mạng không dây trên diện rộng), tự động hóa và robot, IoT, AI...

Ứng dụng công nghệ mới là thách thức đối với các doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội vì thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bản thân các dự án khởi nghiệp, công ty khởi nghiệp cũng sẽ có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn, thương mại hóa sản phẩm thành công... nhờ ứng dụng, phát triển công nghệ IoT, AI, thực tế ảo...

Nói về hệ sinh thái khởi nghiệp của TPHCM, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), cho biết TPHCM luôn đi đầu trong làn sóng đổi mới sáng tạo và bùng nổ khởi nghiệp, số lượng các công ty khởi nghiệp chiếm gần 50% của cả nước. Thành phố đã xây dựng một chương trình 5 năm (2016-2020) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch danh dự của Liên minh VNITO, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), cho rằng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trên thế giới, Việt Nam đang có tỷ lệ công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á, con số tính đến 2019 là 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và tiếp tục tăng lên sau mỗi năm. Các công ty công nghệ của Việt Nam đang đi cùng xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực như: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), chuyển đổi số (Digital Transformation)...

Tại sự kiện VNITO 2019 cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Liên minh VNITO và 6 tổ chức quốc tế, trong đó 3 tổ chức đến từ Nhật Bản bao gồm Trung tâm Chiến lược và Đổi mới CNTT Okinawa (ISCO Okinawa), Tổ chức Heart Industry Holdings - Ủy ban trao đổi Sinh viên Quốc tế Nhật Bản, Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm thành phố Fukuoka (FISA), và 3 tổ chức đến từ Hàn Quốc là Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc tại TP.HCM (KICC HCM), Hiệp hội Phần mềm Thương mại Hàn Quốc (KOSW), Tổ chức Kết nối Thương mại Hàn Quốc (Korean Trade Network).

Lễ ký kết hợp tác này là sự kiện đánh dấu việc hợp tác của Liên minh VNITO nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra hai thị trường trọng điểm trên nói riêng và thị trường thế giới nói chung.

Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực châu Á. Nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực ASEAN với hơn 40% một năm (theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019); Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia (GII Report 2019); Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng mạnh nhất thế giới, tăng 10 bậc, và được xếp hạng 67/141 nền kinh tế (WEF, 2019). Hơn thế nữa, TPHCM vừa trở thành khu vực đầu tiên triển khai 5G tại Việt Nam. Công nghệ này được cho là sẽ giúp cho hoạt động của TPHCM trở nên năng động hơn trong tương lai và dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Chí Thịnh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295917/doi-moi-sang-tao-thuc-day-so-luong-startup-viet-tang-vot.html