Đổi mới, sáng tạo thực hiện khát vọng phát triển
Nhân dịp đón chào năm mới 2022, đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có bài viết đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2021 và những định hướng, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022. Báo Hòa Bình điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong tỉnh, dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội (KT-XH), sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Khó khăn là không thể đong đếm, song, bám sát phương châm hành động của Chính phủ là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”; dưới sự lãnh đạo thống nhất của Tỉnh ủy, trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ ỉnh ủy; sự kịp thời ban hành những quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch, phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và giám sát hiệu quả của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... đã giúp tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Cùng với cả nước, tỉnh Hòa Bình đi qua năm 2021 với nhiều chông gai, thách thức do dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước với mức độ nguy hiểm, khó lường hơn. Thực hiện mục tiêu xuyên suốt là xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, trong năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành vừa phải đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cũng như các nghị quyết, kết luận của T.Ư, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, vừa phải tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức, nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và QP-AN tỉnh Hòa Bình năm 2021; Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2021. Cùng với đó, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trong đó tập trung hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng; quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển. Chú trọng hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; huy động và ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KT- XH...
UBND tỉnh đã lãnh đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường. Phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, hiệu quả; tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu công nghiệp. Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu và đa dạng thị trường xuất khẩu, cũng như khai thác tốt thị trường nội địa. Quan tâm huy động nguồn lực dần đưa du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm. Đặc biệt trong năm 2021, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu NSNN, nhất là triển khai đồng bộ giải pháp để tăng nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tài nguyên, nhờ đó thu NSNN đạt kế hoạch đề ra...
Với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, trong đó có vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, năm 2021, tình hình KT-XH của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng bảo đảm. Cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,48% trong trường hợp không tính Nhà máy thủy điện Hòa Bình). Tổng thu NSNN ước đạt 5.070 tỷ đồng, bằng 116% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm, có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới trên toàn tỉnh lên 65/129 xã. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 41.260 tỷ đồng, tăng 2,3%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 44.469 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,6%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đời sống của Nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,6% năm 2020 xuống còn 6,6%...
Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện. Trong năm, có 50 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 33.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước về số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 7 dự án, vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 94,4%.
Hoạt động văn hóa, GD&ĐT, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường... đạt kết quả tích cực. Công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng, đặc biệt là dịch Covid-19 được kịp thời khống chế, hạn chế thấp nhất lây lan trong cộng đồng. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện. Mặc dù nguồn lực khó khăn, song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh khó khăn bao trùm. Song, chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn nhận vẫn có lúc, có việc thực hiện chưa thực sự quyết liệt, còn tư tưởng nghe ngóng, trông chờ. Còn đâu đó cán bộ, công chức, viên chức làm việc thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế dẫn đến chất lượng tham mưu thấp, thậm chí gây khó khăn, cản trở công việc. Thực tế trong năm 2021, có 5/19 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp. Đây là những trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh, rất cần được sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm tạo sức bật cho tỉnh trong chặng đường phía trước.
Bước vào năm mới 2022, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cùng khát vọng phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình có niềm tin vững chắc sẽ sớm vượt qua gian khó, khắc phục được hạn chế, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày một đổi mới, giàu mạnh.