Đổi mới, sáng tạo - Tiềm năng tinh thần cần được đánh thức
Dám đổi mới, sáng tạo là một trong những yêu cầu trong tinh thần '7 dám' mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đây không chỉ là sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Quân đội, mà đó còn là trọng trách, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong toàn quân luôn nắm vững, thông suốt, triển khai thực hiện trong thực tiễn bằng những hướng đi mới, cách làm mới hiệu quả và thiết thực.
Đổi mới, sáng tạo được hiểu đơn giản là hướng đi mới, cách làm mới tạo ra những hiệu quả mới. Theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thì người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị quân đội không những phải có tinh thần đổi mới, sáng tạo mà cao hơn một bước, đó là dám đổi mới, sáng tạo. Như vậy, việc đổi mới, sáng tạo không chỉ dừng lại trong tư duy, suy nghĩ, mà cần phải triển khai hành động trong thực tế.
Đổi mới, sáng tạo đối lập với bảo thủ, trì trệ, đối lập với tư duy, cách làm theo lối mòn cũ. Thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu vẫn giữ suy nghĩ, tư duy, cách làm cũ, không chịu thay đổi, họ hành động theo lối mòn, theo những con đường đã có sẵn mà không đào sâu tìm kiếm, suy nghĩ hướng đi mới, cách làm mới. Một con đường đi nhiều sẽ thành quen. Cũng vì thế, trong tâm lý mỗi người sẽ luôn mặc định đó là con đường duy nhất đúng dẫn tới điểm đến. Nhưng người có tinh thần đổi mới, sáng tạo, họ sẽ tìm ra cho mình con đường mới, lối đi riêng. Họ vẫn có thể đến đích nhưng bằng con đường khác ngắn hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Vì vậy, tinh thần dám đổi mới, sáng tạo, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải cởi trói ngay từ trong suy nghĩ và nhận thức. Đứng trước một vấn đề, một nhiệm vụ, cần phải có sự tính toán, cân nhắc, suy nghĩ để tìm ra biện pháp, cách làm hiệu quả. Không nên mặc định là phải làm theo cách cũ, làm theo cách làm của những người đi trước thì mới có kết quả hiệu quả. Tất nhiên, dám đổi mới, sáng tạo không có nghĩa là phủ định những cách làm cũ, không đi theo cách làm cũ, mà trên cơ sở những cái đã có để kế thừa, vận dụng, bổ sung nhằm sáng tạo ra cái mới , tìm hướng đi mới cho cơ quan, đơn vị.
Để có thể đổi mới, sáng tạo được, đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nắm bắt được xu hướng vận động của thực tiễn, đánh giá, nhận định được đúng, trúng những vấn đề bức thiết của cuộc sống, để những đổi mới, sáng tạo của mình phù hợp với xu hướng của tình hình. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm vụ đều có những đặc điểm, những đòi hỏi, yêu cầu riêng mà cán bộ, đảng viên cần phải linh hoạt, vận dụng sáng tạo.
Mọi ý tưởng dù hay đến mấy, tinh thần đổi mới, sáng tạo có quyết liệt đến mấy, nhưng không nhìn thẳng vào thực tế, không bám sát đời sống, không phù hợp với tình hình thực tế thì cũng chỉ là đổi mới, sáng tạo không tưởng. Vì khi đổi mới, sáng tạo thì cần triển khai hành động trong thực tiễn. Khi triển khai hành động thì liên quan đến lực lượng, phương tiện và nhiều vấn đề khác đi kèm, nếu những sáng tạo đó mà vượt quá khả năng, giới hạn trong phạm vi năng lực của đơn vị, tổ chức, thì sẽ không thể biến ý tưởng, biến tinh thần đổi mới thành hiện thực.
Ở phương diện quốc gia dân tộc, tinh thần dám đổi mới, sáng tạo của người đứng đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó quyết định đến sự hưng thịnh, suy vong của đất nước. Người đứng đầu có tinh thần đổi mới, sáng tạo, biết khơi gợi tinh thần sáng tạo sẽ tạo đà cho đất nước phát triển. Bài học về tinh thần đổi mới toàn diện đất nước của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã cho thấy điều đó.
Trong hoạt động môi trường quân sự, đổi mới, sáng tạo có thể thực hiện với mọi cán bộ, đảng viên và chiến sĩ. Trong chiến tranh, quân và dân ta đã sáng tạo ra rất nhiều vũ khí và cách đánh để đối phó với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của địch. Có thể kể đến những sáng kiến như bếp Hoàng Cầm che mắt quân địch khi nấu ăn, sáng kiến dùng hầm chông, hố đinh, dùng ong vò vẽ đánh địch. Điển hình cho tinh thần sáng tạo đó là trong cuộc đối đấu với máy bay B52 của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, lực lượng phòng không của ta đã sáng tạo ra những cách đánh hiệu quả, bắn cháy siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm của quân thù. Rất nhiều vũ khí thô sơ, tự chế, rất nhiều vũ khí do ta thu được của địch được cải tiến, trở thành vũ khí đánh địch, diệt địch hiệu quả.
Trong hòa bình, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cũng có rất nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ. Đổi mới trong giáo dục chính trị, sáng tạo trong tăng gia sản xuất, đổi mới trong huấn luyện bộ đội, sáng tạo trong quản lý tư tưởng chiến sĩ. Chính với tinh thần đổi mới, sáng tạo mà hằng năm, toàn quân có hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng mang lại hiệu quả trong huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.
Như vậy, dám đổi mới, sáng tạo cũng có nghĩa là phải xuất phát từ thực tiễn, từ nhu cầu đơn vị, hay nói cách khác, đó là phải phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị . Và hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay, trước những đòi hỏi bức thiết của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần dám đổi mới, sáng tạo cần được coi là một tiềm năng, một nguồn lực tinh thần cần được đánh thức.