Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp

Thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước thải… dự kiến đạt gần 62 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm hơn 20%.

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận.

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận.

Ngày 8/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức hội thảo "Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững".

Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu đại diện khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tham dự.

Tại hội thảo, các chuyên cho rằng, thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước thải… dự kiến đạt 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20,8%.

Do đó, chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và bảo đảm các tác động bền vững.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP cho rằng, với mức độ yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội đối với sứ mệnh bền vững, buộc các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh.

Theo đó, có 5 xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh gồm: Tối ưu hóa năng lượng, sản xuất sản phẩm bền vững, giảm thiểu rác thải và tái chế, tăng cường công nghệ thông minh, tiếp cận sản xuất tinh gọn.

Trong khi đó, theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA), hiện nay, với xu thế phát triển của thế giới và toàn cầu, các khu công nghiệp, doanh nghiệp phải làm câu chuyện phát triển bền vững.

Khi các khu công nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đồng thời các nhà máy trong khu công nghiệp cũng thực hiện chuyển đổi xanh.

Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xanh, nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp phải nhanh chóng hành động, chứ không còn dừng ở việc tư duy, suy nghĩ nữa. Nếu doanh nghiệp không thực hiện sản xuất xanh, sản phẩm xanh thì trong tương lai khó có thể xuất khẩu hàng hóa, nhất là sang các thị trường khó tính.

Đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS-Energy nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các khu công nghiệp sinh thái để Việt Nam tham gia và cạnh tranh hiệu quả khi “luật chơi Sản xuất xanh-Xuất khẩu xanh” ngày càng siết chặt.

Ông Trần Anh Đông chỉ ra rằng việc chuyển đổi xanh đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó về nhiều mặt: tài chính, nguồn lực, chính sách hỗ trợ… nhất là trong giai đoạn khởi tạo và vận hành.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, khu công nghiệp khi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh một cách hiệu quả.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tổ chức nhiều buổi tập huấn, đạo tạo cho doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, chiến lược, từng bước thực hiện chuyển đổi xanh.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-sang-tao-xanh-cho-nha-may-va-khu-cong-nghiep-post823338.html