Đổi mới sinh hoạt chi bộ - Nâng cao sức chiến đấu của Đảng
Thành ủy Hà Nội xác định, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và giải quyết những vấn đề ở cơ sở là rất quan trọng. Chính vì thế, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 11 ngày 6/12/2021 về 'Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ TP Hà Nội trong tình hình mới'
Buổi sinh hoạt chi bộ thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai hôm nay đặc biệt, bởi tổ công tác của huyện ủy, do đồng chí Bí thư huyện ủy làm tổ trưởng về dự sinh hoạt.
Không chỉ có vai trò như người “giữ lửa” cho sinh hoạt chi bộ, những gợi ý của thành viên tổ công tác còn là kênh thông tin giúp cấp cơ sở nắm bắt thông tin, xây dựng nghị quyết chi bộ để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến đời sống nhân dân.
Chi bộ Tổ dân phố 38, 40, 41 Tây Nam Linh Đàm thuộc Đảng bộ phường Hoàng Liệt có 122 đảng viên, 90% trong số đó là đảng viên cao tuổi. Tuy nhiên, từ khi có đề án 11, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt luôn đạt trên 95%.
Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ngày càng nghiêm túc, nề nếp hơn, quy trình tổ chức được đảm bảo, nội dung sinh hoạt bám sát hướng dẫn của Đảng ủy phường và Quận ủy.
Thực hiện Đề án 11, các cấp ủy xác định: Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động cốt yếu của chi bộ, có tác động trực tiếp đến sự lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên.
Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp thì chi bộ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Phùng Đức Hữu - Phó Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Các chi bộ đã nghiêm túc triển khai sinh hoạt theo đúng quy định. Đặc biệt là quan tâm đến sinh hoạt chuyên đề, trước đây có thể không đầy đủ, nhưng từ khi có đề án 11, nhưng giờ đúng quy định mỗi quý 1 lần, nội dung gắn liền với đời sống dân sinh”.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư quận ủy Tây Hồ cũng cho biết thêm: “Không chỉ là chuyển biến về số lượng đảng viên sinh hoạt đầy đủ, mà các đảng viên đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong mỗi buổi sinh hoạt, điều này trước đây chưa có, nếu có cũng không nhiều và không hiệu quả, buổi sinh hoạt chỉ là độc diễn của bí thư. Bây giờ đã thay đổi, nhiều nội dung thiết thực, nghị quyết chi bộ ban hành được triển khai ngay vào đời sống”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 3 năm đề án 11 diễn ra giữa tuần vừa qua, Phó bí thư thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ ra một số hạn chế, đó là: Việc thực hiện nền nếp chế độ sinh hoạt chuyên đề mỗi quý một lần, thời điểm sinh hoạt từ ngày 3 đến 5 hằng tháng ở một số chi bộ chưa thực hiện tốt.
Chất lượng sinh hoạt giữa các chi bộ chưa đồng đều, thậm chí ở một số nơi, sinh hoạt chi bộ chủ yếu bàn về nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: “Chú trọng rà soát, đánh giá các loại hình chi bộ để tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn. Mỗi chi bộ có những đặc điểm khác nhau nên không có mẫu số chung cho tất cả. Vì thế, các đơn vị phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, nhưng cần linh hoạt với tình hình thực tiễn của từng chi bộ, địa phương, nếu gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai đề án cần kiến nghị cấp trên”.
Đề án số 11 của Ban thường vụ thành ủy Hà Nội đã rất trúng, đúng, thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã có những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ.