Đổi mới thi tuyển sinh đại học tại Việt Nam: Từ 'ao làng' tới hội nhập quốc tế
Nếu như trong 10 năm gần đây các Đội Tuyển Toán, Lý, Hóa, Tin của Việt Nam thường ở Top 10 thế giới thì 50 năm qua thi Tuyển sinh Đại học (TSĐH) tại Việt Nam với 4 lần thay đổi nhưng vẫn đi một đường băng 'tuyển sinh riêng'.
Thi Đại học ở Việt Nam đang rất khác so với thế giới
Việt Nam đã trải qua 50 năm tổ chức thi TSĐH với 4 giai đoạn thi theo các hình thái khác nhau nhưng luôn có 1 điều bất biến không thay đổi: Thang điểm tối đa của một môn thi luôn là 10/10 và tổng điểm tối đa ba môn thi 30/30.
Thầy giáo Trần Phương cùng các học trò. Nguồn: Nhân vật cung cấp
Từ năm 2015, bài thi đã thay đổi định dạng sang trắc nghiệm với 40 câu hỏi, nhưng thang điểm vẫn giữ nguyên 10 điểm với mỗi câu đúng được 0,25 điểm (riêng môn Toán có 50 câu mỗi câu 0,2 điểm), dẫn tới hàng triệu điểm bài thi theo môn, tổng điểm ba môn thi và điểm chuẩn TSĐH có thể lấy đến phần lẻ 0,25 (hoặc 0,2 điểm). Khác với phân phối điểm các đề thi TSĐH như Gaokao (Cao Khảo Toàn quốc) của Trung Quốc, CSAT của Hàn Quốc, của Anh và SAT của Mỹ với nhiều định dạng trắc nghiệm, nhưng điểm thành phần và tổng điểm luôn là một số nguyên (100 điểm, 150 điểm và 800 điểm).
Thêm nữa là đề thi Đại học Việt Nam chia thang điểm cào bằng cho mọi câu hỏi khó dễ như nhau với cùng mức 0,25 điểm/câu (hoặc 0,2 điểm/câu). Điều này khác biệt với cấu trúc nhiều phổ điểm theo 3 định dạng ở đề thi đại học của nhiều nước: Trắc nghiệm chọn đáp án, viết đáp số và trình bày tự luận.
Trong 30 năm TSĐH (1991-2021), Việt Nam đã sản sinh ra hàng nghìn học sinh đạt điểm 29,5 - 30/30, nhưng “nghịch lý” là những năm gần đây, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối ngày càng nhiều mà vẫn trượt đại học!
Nhìn sang láng giềng Trung Quốc trong 38 năm đổi mới TSĐH (đưa tiếng Anh là môn thi bắt buộc từ 1983), với gần 400 triệu học sinh thi Gaokao nhưng chưa có một thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối, thì sẽ thấy sự mất cân đối và dễ dãi trong cấu trúc đề thi TSĐH của Việt Nam.
Thi TSĐH Gaokao của Trung Quốc - kỳ thi khốc liệt nhất thế giới. Nguồn: Ảnh minh họa
Theo dõi nội dung đề thi trắc nghiệm TSĐH môn Toán của Việt Nam từ 2015 đến 2021, có thể nhận thấy 2 vấn đề sau đây:
Phần nội dung “nhận biết” và “thông hiểu” chiếm khoảng 60% số câu và tổng điểm để thi. Đối với học sinh khá, giỏi thi TSĐH thì phần này hoàn thành rất nhanh và chính xác, như vậy những học sinh này thi đấu với nhau ở 40% phần vận dụng và vận dụng cao tức là thi đấu trên thang điểm 4/10. Khi đó, để vào các trường đại học Top đầu, hay các khoa "hot", học sinh giỏi chỉ cần đấu với nhau trong khoảng hẹp gồm 4 - 6 câu hỏi vận dụng cao với khoảng 1 - 1,5 điểm.
Tuy nhiên với đề thi trắc nghiệm 4 phương án lựa chọn thì nếu được huấn luyện một số kỹ năng, thí sinh có thể điền “ăn may” để đạt từ 0,5 đến 0,75 điểm trong gói 1 - 1,5 điểm. Như thế sự so kè giữa các học sinh giỏi thi vào các trường đại học Top đầu chủ yếu chỉ diễn ra 1/10 điểm ở môn Toán! Đây chính là bất cập rất lớn với yêu cầu thi TSĐH.
So sánh tổng quan đề thi TSĐH môn Toán của một số quốc gia. Nguồn: TL tổng hợp
Đặt thang 10 điểm TSĐH môn Toán của Việt Nam cạnh thang điểm 100, 150 và 800 của Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, có thể thấy sự khác biệt không nhỏ: đề thi các nước có đủ cả 3 hình thái với thang điểm phong phú hơn hẳn. Ngoài ra, các Đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard, MIT, Stanford, Yale, Columbia,…đều là các Đại học tư thục nên điểm số chỉ là một trong các yếu tố cơ bản của “hồ sơ dự tuyển” (bên cạnh các yếu tố bài luận, hoạt động ngoại khóa, quốc tịch, cam kết mức đóng học phí…) và đặc biệt là vòng phỏng vấn trực tiếp. Vì thế vẫn có những học sinh đạt điểm thi tuyệt đối nhưng trượt đại học Top đầu của Mỹ vì tham vọng học bổng quá lớn. Nhưng với cách TSĐH dựa duy nhất vào điểm thi (như GAOKAO của Trung Quốc, CSAT Hàn Quốc, hoặc của Nga…) thì điểm thi tuyệt đối 30/30 mà vẫn trượt Đại học thì chỉ có ở Việt Nam!
Một số kiến nghị nhằm đổi mới kì thi tuyển sinh Đại học Việt Nam
Dựa trên nghiên cứu và so sánh kì thi TSĐH ở Việt Nam và ở các nước có nền giáo dục hiện đại khác trên thế giới, có thể thấy, việc thay đổi về chất của kì thi này là một trong những yếu tố quan trọng giúp nền giáo dục nước nhà tiến bộ hơn, bắt kịp với xu thế toàn cầu. Theo đó, có thể đề xuất một số phương án như sau:
Phương án 1: Tách riêng 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và TSĐH. Thi tốt nghiệp THPT trắc nghiệm 6 môn trong 2 ngày vào tháng 5 do Sở GD&ĐT phụ trách. Những học sinh được từ 36/60 điểm (thang điểm 10) hoặc 180/300 (thang điểm 300) trở lên được đăng ký thi TSĐH công lập.
Thi TSĐH công lập do Bộ GD&ĐT phối hợp với các trường đại học và UBND tỉnh, thành phố tổ chức 1 đợt thi tuyển sinh chung với 3 môn thi trong 1 ngày. Đề thi gồm 3 phần, thi theo định dạng chuẩn quốc tế: Trắc nghiệm chọn đáp án; Viết đáp số và Tự luận với điểm mỗi câu là một số tự nhiên, trong đó sớm đưa tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc.
Phương án 2: Thi chung như hiện nay nhưng áp dụng thay đổi cấu trúc đề thi đủ 3 phần: Trắc nghiệm chọn đáp án; Viết đáp số và Tự luận với điểm mỗi câu là một số tự nhiên. Phần trắc nghiệm chọn đáp án có nội dung đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra có thể học tập mô hình tổ chức khảo thí của tổ chức College Board (thành lập năm 1926) với gần 100 năm tổ chức thi tuyển sinh SAT cho các trường Đại học Mỹ để thành lập các trung tâm khảo thí độc lập ở Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Giáo dục là yếu tố cốt lõi để một quốc gia trở nên cường thịnh, hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, rất cần có một tầm nhìn toàn diện hơn, xa hơn và những hành động thiết thực bắt đầu từ những thay đổi nhỏ bé nhất.
Bài và ảnh: Trần Phương