ĐỔI MỚI TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NHỮNG NĂM ĐẦU NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV

Tại phiên họp thứ 10, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận công tác xây dựng thể chế được Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan hữu quan quan tâm và có nhiều cố gắng, đổi mới: Số lượng luật được thông qua nhiều, chất lượng luật được nâng lên, giải quyết được nhiều vấn đề mới, khó, cấp bách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2021 và Quý I năm 2022, ngoài 15 Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 01 Hội nghị về công tác thể chế, 06 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thường trực Chính phủ tổ chức nhiều phiên họp để cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh. Quy trình cho ý kiến, thông qua các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ xem xét chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt các bộ trong việc rà soát, xử lý các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Tuy nhiên vẫn còn tình trạng có dự án luật phải xin lùi thời hạn trình; một số dự án chưa bảo đảm chất lượng được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý và báo cáo lại. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, những tồn tại, hạn chế nêu trên là do lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa chỉ đạo sát công tác xây dựng pháp luật; khi đề xuất đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung cũng như tác động của các chính sách; thời điểm đăng ký trình chưa thực sự phù hợp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản còn hạn chế.

Thống nhất với đánh giá của Chính phủ về những mặt tích cực cũng như tồn tại, hạn chế của công tác lập, triển khai Chương trình trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, bối cảnh tình hình năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có một số yếu tố đặc thù tác động không nhỏ đến công tác lập và thực hiện Chương trình. Thứ nhất, đây là thời gian chuyển giao nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ cũng như nhiều cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Thứ hai, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Thứ ba, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và ban hành Kết luận để các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai thực hiện. Trong bối cảnh đó, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả đạt được kết quả tích cực. Trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng luật tiếp tục được tăng cường; công tác phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều đổi mới để đáp ứng yêu cầu của công tác lập pháp. Quốc hội tổ chức thêm kỳ họp bất thường, tổ chức họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tuyến với họp trực tiếp để xem xét, cho ý kiến, thông qua các dự án luật. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo sát sao, bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa” để nghe các Bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội báo cáo về nội dung các dự án, công tác chuẩn bị thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý, cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lớn của dự án, dự thảo để tiếp tục hoàn thiện trước khi báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhờ đó, chất lượng các luật, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua được nâng lên; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; xem xét, thông qua các văn bản đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế, bất cập tồn tại qua nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản chưa đầy đủ các tài liệu, chưa bảo đảm chất lượng, chưa bảo đảm thời gian gửi theo đúng quy định; Chương trình phải điều chỉnh nhiều lần; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình, nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, những hạn chế này có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. Về việc Chương trình còn phải điều chỉnh nhiều có một số trường hợp là phát sinh cần thiết để đáp ứng yêu cầu trước những diễn biến thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội, nhưng phần nhiều là do tính dự báo của các cơ quan chưa cao khi đề xuất các dự án đưa vào Chương trình, do chưa có kế hoạch dài hạn trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, từ năm 2022 trở đi, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV, các cơ quan có điều kiện thuận lợi, chủ động hơn trong việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất các dự án đưa vào Chương trình.

Do đó đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nhiều dự án luật cụ thể để đưa vào Chương trình nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị; tập trung chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp theo đúng tiến độ đã xác định tại Đề án Định hướng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội quan tâm thực hiện để khắc phục các hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới, bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, quán triệt và thực hiện nghiêm các yêu cầu tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị: trong việc soạn thảo dự án phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; quá trình soạn thảo cần lưu ý tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra về đề nghị xây dựng dự án. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể thực hiện thí điểm. Ban hành văn bản hướng dẫn về lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với việc điều chỉnh Chương trình, chỉ trình bổ sung những dự án là kết quả của việc nghiên cứu, rà soát theo nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án Định hướng. Đối với những dự án khác, chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn phát sinh, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng trong các nghị quyết, kết luận mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện cam kết quốc tế hoặc dự án có ý nghĩa then chốt, tạo bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ lưu ý tích hợp các đề nghị điều chỉnh Chương trình tránh tình trạng có nhiều tờ trình đề nghị điều chỉnh sát ngày nhau như thời gian qua./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63761