Đổi mới tư duy, cách làm du lịch
Tài nguyên du lịch của Việt Nam phong phú và đa dạng; con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có này để phát triển du lịch, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu, thu hút du khách.
Theo báo cáo mới đây từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số phát triển du lịch của Việt Nam đã giảm 7 bậc so với năm 2021, đứng vị trí 59 với số điểm 3,96. Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số phát triển du lịch của Việt Nam thấp hơn nhiều nước. Lấy việc phát triển kinh tế đêm làm ví dụ. Trong khi các nước lân cận phát triển theo hướng tích hợp giữa vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống,… thì Việt Nam mới chỉ có thể làm tốt ẩm thực đêm. Chính vì thế, du khách đến Singapore chi hơn 50 USD/đêm, Thái Lan trên 30 USD/đêm, nhưng ở Việt Nam chỉ 5,7 USD/đêm. So sánh với các nước như Philippines, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… tổng mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả. Hiện nay, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm". Liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Việc huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, phân tán, dàn trải…
Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Muốn tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhanh, bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 509/QĐ-TTg (ngày 13-6-2024) phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo quy hoạch, nước ta đặt mục tiêu, năm 2025 đón từ 25 đến 28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8% đến 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13% đến 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4% đến 5%/năm. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Du lịch và các địa phương cần quán triệt, triển khai có hiệu quả Quyết định số 509/QĐ-TTg; đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỷ lệ khách quay trở lại, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Hiện, xếp hạng du lịch visa Việt Nam chỉ ở mức trung bình ASEAN. Vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành cần tham mưu, thực hiện theo hướng đánh giá tổng thể, tiếp tục đổi mới chính sách visa. Độ mở của visa chính là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch, lữ hành tại điểm đến, từ đó thu hút khách quốc tế.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ là phải "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-moi-tu-duy-cach-lam-du-lich-669396.html