Đổi mới tư duy để nông nghiệp 'cất cánh'
Tại nghị trường kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào ngày 1-11 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã hiến kế để khôi phục, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, trong đó có giải pháp quan trọng là đẩy mạnh: 'Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp'.
Đây có thể nói là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp. Trước đó, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ (ngày 16-6-2022) hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ: “Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường”.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, người dân sống ở nông thôn là chủ yếu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Người nhấn mạnh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm hàng đầu trong hoạch định, cũng như thực thi chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhờ đó, từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, trong lúc đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành Nông nghiệp vẫn là một điểm sáng, giúp ổn định nền kinh tế. Theo thống kê, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Mới đây nhất, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đánh giá, năm 2023 khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.
Với vai trò là “trụ đỡ”, nông nghiệp đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp nhiều vào xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Song, nhìn nhận một cách khách quan, ngành Nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định. Đời sống kinh tế của người nông dân thấp và bấp bênh; sản phẩm làm ra có thời điểm phải bán ngang hoặc dưới giá thành, không tiêu thụ được và liên tục phải "giải cứu".
Đáng chú ý, việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất chưa đồng đều; các nút thắt cơ bản của ngành Nông nghiệp chưa được giải quyết triệt để, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp... Nguyên nhân có nhiều, song điều dễ nhận thấy nhất, đó là một bộ phận không nhỏ người nông dân chưa thay đổi tư duy, thiếu năng lực, tâm thế làm chủ.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sẽ tạo đột phá để nông nghiệp “cất cánh”. Chúng ta đều biết rằng, tư duy sản xuất nông nghiệp là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển đổi tăng sản lượng sang tăng giá trị. Sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, sản phẩm làm ra nhiều nhưng lợi nhuận không cao. Trong khi đó, kinh tế nông nghiệp là sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể.
Trong những giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của mỗi quốc gia, quá trình đổi mới tư duy dựa trên nền tảng nhận thức mới về thực tiễn phát triển là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của các quyết sách. Có đổi mới tư duy, mới tạo được bước phát triển đột phá.
Muốn chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, việc quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung theo các quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Phải xác định việc chuyển đổi tư duy này là việc chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải việc riêng của ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch, chiến lược cụ thể về tri thức hóa nông dân, xây dựng nguồn nhân lực xứng tầm thực hiện được những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Xét cho cùng, doanh nhân, nhà khoa học và nhà quản lý chỉ đóng vai trò hỗ trợ, còn nông dân mới là chủ thể chính trong phát triển nông nghiệp.
Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp chính là cơ sở thực hiện hiệu quả chiến lược xây dựng ngành Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Khi người nông dân có sự thay đổi tư duy, nhận thức và hành động thiết thực để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, khi có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành và sự kết nối của doanh nghiệp thì nền nông nghiệp chắc chắn sẽ phát triển bền vững, vươn mình “cất cánh” bay xa...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-moi-tu-duy-de-nong-nghiep-cat-canh-646941.html