Đổi mới tư duy xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại
Cùng với cả đất nước, trước khởi điểm lịch sử của kỷ nguyên vươn mình thực hiện hóa khát vọng phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, hơn bao giờ hết, nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy ngành Ngoại giao đòi hỏi sự đổi mới tư duy để xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên, phụng sự tốt hơn cuộc chuyển mình vĩ đại của dân tộc.
Bối cảnh và yêu cầu đặc biệt
Một mặt, những diễn biến khó lường của tình hình quốc tế, sự gia tăng của các vấn đề mang tính toàn cầu, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đòi hỏi ngành đối ngoại, ngoại giao phải liên tục đổi mới để thích ứng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Không dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống và “vùng an toàn”, ngành Ngoại giao trong kỷ nguyên mới cần nhanh chóng làm quen, nắm bắt những công nghệ, lĩnh vực mới của thời đại như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, khoa học lượng tử, các nguồn năng lượng mới, vật liệu mới… để có thể tham mưu và phục vụ hiệu quả cho việc phát triển các lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới của đất nước.
Mặt khác, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đặt ra yêu cầu phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước.
Đặc biệt hơn, nhiệm vụ khẩn trương thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với bảo đảm triển khai thông suốt, thống nhất công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đòi hỏi tinh thần quyết liệt, nỗ lực “phi thường” để tạo bước tiến đột phá về xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Bối cảnh tình hình và nhiệm vụ mới đặt công tác xây dựng ngành Ngoại giao trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, chuẩn hóa quy trình làm việc, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở hạ tầng… Nhưng hơn hết, xuyên suốt các nhiệm vụ đó là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ ngoại giao tuyệt đối trung thành, tận tâm phục vụ Đảng, Tổ quốc và phụng sự nhân dân, tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ và chuyên nghiệp về phong cách để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của ngành Ngoại giao nói riêng và đất nước nói chung.
Cần sự khác biệt về tư duy và giải pháp
Thứ nhất, không ngừng củng cố hành lang pháp lý, tích cực xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chỉ đạo điều hành, xây dựng tổ chức và đội ngũ, quản lý tài chính tài sản và đầu tư công, bảo đảm bắt nhịp và bám sát tiến trình chuyển đổi số của Chính phủ. Việc thường xuyên rà soát, bổ sung, hệ thống hóa, kiến nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế có ý nghĩa quan trọng để hướng tới xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.
Trước mắt, cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Luật về hàm, cấp ngoại giao, Luật ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, đồng thời rà soát, sửa đổi Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Về lâu dài, nghiên cứu xây dựng Luật Ngoại giao theo hướng thể chế hóa một cách hệ thống và đồng bộ tổ chức và hoạt động của ngành Ngoại giao cả ở trong và ngoài nước.
Thứ hai, cần nhận thức và xác định rõ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải hoàn thành thắng lợi theo yêu cầu của Trung ương nhưng đồng thời là cơ hội thuận lợi để xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, nhân sự mới từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, qua đó thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại chính là tiền đề quan trọng để ngành đối ngoại, ngoại giao khẳng định vị thế, vai trò trọng yếu, thường xuyên trong thời gian tới.
Thứ ba, trên cơ sở chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước, tiếp tục thúc đẩy đổi mới nội dung, phương thức tuyển dụng cũng như đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức bám sát đặc thù của ngành Ngoại giao theo nguyên tắc gắn với vị trí việc làm và lấy người học làm trung tâm.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường hiệu quả sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, phát huy và nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tăng động lực phấn đấu, rèn luyện, bảo đảm sự chuyển tiếp, kế thừa. Bộ Ngoại giao sẽ tập trung xây dựng và ban hành quy định tiêu chuẩn công chức, tiêu chuẩn các chức danh, chức vụ, đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, phân nhóm cán bộ theo sở trường, tiềm năng và khả năng đồng thời nghiên cứu, xây dựng hệ thống Chỉ số đo lường hiệu quả công việc phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và đặc thù của Ngành.
Thứ tư, đề cao tư duy khoa học, tư duy số, đổi mới sáng tạo thông qua thực hiện chuyển đổi số toàn ngành. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy hình thành Bộ Ngoại giao điện tử và chuyển đổi số, đi đôi với bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng. Đồng thời, đẩy mạnh tái cấu trúc các quy trình giải quyết công việc theo hướng đơn giản, hiệu lực, dễ dàng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chuẩn hóa quy trình làm việc, tăng cường tính linh hoạt, khả năng thích ứng và thời gian đáp ứng yêu cầu công việc.
Thứ năm, chuẩn hóa và mở rộng ứng dụng hệ thống hàm, cấp ngoại giao phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế, góp phần chính quy hóa ngành Ngoại giao, tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Thứ sáu, đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên sâu phải là nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá mang tính quyết định đối với công tác cán bộ của ngành Ngoại giao thời gian tới. Chỉ khi có đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, ngành Ngoại giao mới đạt tiêu chí “chuyên nghiệp”.
Thứ bảy, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, đánh giá, đề xuất phương hướng mở rộng mạng lưới cơ quan đại diện trên cơ sở cân đối yêu cầu đối ngoại, ưu tiên nhiệm vụ và nguồn lực thực thi tại một số địa bàn phù hợp.
Đồng thời, định kỳ rà soát, điều chỉnh phân loại địa bàn trên cơ sở thống nhất hài hòa giữa các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan đại diện, không chỉ trong triển khai nhiệm vụ đối ngoại mà còn hỗ trợ đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ lợi ích quốc gia và khẳng định vị thế của đất nước.
Với thế và lực của đất nước sau gần 40 năm đổi mới, cùng với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối ngoại, ngành Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống xây dựng và trưởng thành gần 80 năm qua, tham khảo kinh nghiệm thành công của ngoại giao quốc tế, huy động mọi nguồn lực để từng bước xây dựng, phát triển ngành Ngoại giao vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.