Đổi mới tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên

Nắm bắt tâm lý của thanh, thiếu niên, các cấp hội, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu pháp luật sôi nổi, sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, các em được trang bị kiến thức, kỹ năng, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật.

Hạn chế lý thuyết khô khan, khuyến khích sự tương tác, trao đổi, duy trì không khí cởi mở, sôi động, đó là phương châm tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh được Hội Luật gia tỉnh phối hợp thực hiện.

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm 9/11, Hội đã phối hợp với Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Bắc Giang), Trường THPT Lạng Giang số 1 (Lạng Giang), Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường” cho hàng nghìn học sinh. Báo cáo viên pháp luật là Đại úy Chu Văn Hiệu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh).

Báo cáo viên pháp luật của Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Bắc Giang).

Báo cáo viên pháp luật của Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Bắc Giang).

Với gương mặt luôn tươi cười, giọng nói truyền cảm, thu hút, Đại úy Hiệu đã đưa ra nhiều tình huống, vụ việc cụ thể liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em và bạo lực học đường để học sinh cùng trao đổi, thảo luận. Đại úy Hiệu nhấn mạnh, đối tượng xấu thường tìm cách tiếp cận, gây dựng niềm tin, dụ dỗ hoặc tấn công, khống chế để xâm hại trẻ em (nhất là nữ giới) về mặt thể chất, tinh thần.

Khi không may bị xâm hại, các em cần bình tĩnh, giữ khoảng cách với người lạ, nói “không” với những đề nghị, cố gắng tìm cách trốn thoát như bỏ chạy, la hét. Điều quan trọng là phải nói chuyện với bố mẹ, thầy cô để có biện pháp can thiệp, giúp đỡ kịp thời, hợp lý.

Em Nguyễn Khánh Dương, lớp 8A, Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Em rất thích tham gia những buổi tìm hiểu pháp luật như thế này vì các thông tin được truyền tải không hề khô khan mà dễ hiểu, dễ áp dụng. Em còn thường xuyên chia sẻ cho bạn bè, người thân để giúp mọi người có thêm kiến thức, kỹ năng phòng tránh việc xâm hại và bạo lực học đường. Bên cạnh đó, em cũng chủ động hơn trong việc tìm hiểu các thông tin pháp luật khác thông qua sách báo, internet để hạn chế vi phạm pháp luật".

Với mục đích đem lại những bài học, kiến thức pháp luật bổ ích, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, TAND tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình “Góc nhìn chân thật, thức tỉnh tương lai”; cơ quan tòa án, viện kiểm sát thì duy trì “Phiên tòa giả định” cho các bạn trẻ từ 16 tuổi trở lên đang học tập tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh dự khán. “Cùng em an toàn tới trường” là một mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua trải nghiệm thực tiễn cũng đem lại nhiều hiệu quả.

Mô hình do Tỉnh đoàn, Ban An toàn giao thông tỉnh và các nhà trường phối hợp thực hiện. Học sinh được theo dõi các tình huống vi phạm như lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đội mũ bảo hiểm sai cách… Qua đó rút kinh nghiệm khi tham gia giao thông để giữ an toàn cho bản thân và mọi người. Cùng đó, thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh còn được tìm hiểu pháp luật thông qua các mô hình “Câu chuyện của tôi, bài học của bạn”; “Cổng trường an toàn giao thông”.

Giai đoạn 2012-2022, Sở Tư pháp phối hợp với các địa phương tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình cho gần 5 nghìn cán bộ và nhân dân. Biên soạn, phát hành 3 nghìn cuốn tài liệu "Hỏi, đáp Luật Trẻ em năm 2016", 10 nghìn tờ gấp tuyên truyền các quy định về quyền trẻ em...

Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà trường, đoàn thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động trong đó có tuyên truyền pháp luật. Được biết, mỗi năm, các đơn vị, đoàn thể như tòa án, viện kiểm sát hai cấp, phụ nữ, thanh niên, tư pháp... đều quan tâm tổ chức từ 2 đến 4 hội nghị, buổi ngoại khóa tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên. Mỗi cuộc thu hút sự quan tâm của hơn 1 nghìn thanh, thiếu niên, thầy, cô giáo, phụ huynh.

Ưu điểm chiếm phần nhiều, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khó khăn về nhân lực, kinh phí nên có thời điểm, các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên không thường xuyên, liên tục. Được biết, năm 2021, toàn tỉnh có 70 bị can từ 14 đến 18 tuổi bị cơ quan công an khởi tố (chiếm tỷ lệ 2,76%) với các tội danh chủ yếu là trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, ma túy, giao cấu với trẻ em… Để con số này giảm dần qua mỗi năm, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể trong việc đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với thanh, thiếu niên. Sở Tư pháp đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể duy trì và nhân rộng những mô hình tuyên truyền pháp luật trực quan, hiệu quả.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Trong đó quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em có chất lượng, trách nhiệm, tâm huyết; tư vấn, trợ giúp pháp lý kịp thời cho trẻ em theo quy định.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/380986/doi-moi-tuyen-truyen-phap-luat-cho-thanh-thieu-nien.html