Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp Ninh Bình đã chuyển sang giai đoạn mới, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với các tiêu chí sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao đồng hành cùng các hình thức sản xuất hiệu quả, bền vững. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm hoa lan Hồ điệp ứng dụng công nghệ cao cho chất lượng tốt.

Sản phẩm hoa lan Hồ điệp ứng dụng công nghệ cao cho chất lượng tốt.

Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao DG tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư là đơn vị đầu tiên của tỉnh Ninh Bình ứng dụng công nghệ cao thực hiện mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp. Anh Đỗ Trần Vương, Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ hệ thống nhà lưới trồng lan Hồ Điệp có diện tích 1.000m2, được áp dụng theo công nghệ Nhật Bản, có khung sắt đỡ chắc chắn và cáp chịu lực có thể chống bão lớn. Bên trên là mái che nhiều lớp để giảm tác động của thời tiết, có thể cắt nắng, tránh nhiệt độ cao ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của hoa. Mô hình còn trang bị đầy đủ các thiết bị như: Đèn cao áp để sưởi ấm cho hoa vào mùa đông, các quạt thông gió, hệ thống làm mát để giảm nhiệt độ, tạo độ ẩm.

Sau hơn 3 năm triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nuôi, cây lan Hồ Điệp, mô hình cho hiệu quả cao, cây lan sinh trưởng và phát triển tốt. Dự án đã trồng và chăm sóc thành công 4 loại hoa lan Hồ điệp (giống LVR2, LVR4, Ban mai hồng, Tiểu kiều tím) ra hoa thương phẩm đạt 88- 95%, tổng số cây thu được là 39.772 cây, trong đó năm 2019 là gần 11 nghìn cây, năm 2020 là trên 29 nghìn cây.

Cùng với đó, dự án đã hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, phân hóa mầm hoa, thu hoạch, bảo quản lan Hồ điệp phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở tỉnh Ninh Bình. Nếu khai thác hết công suất sẽ cho ra 3,5 vạn cây hoa/năm, trừ chi phí thu lãi từ 1,5-2 tỷ đồng/năm.

Với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp trong nhà lưới của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao DG có thể xem là một trong những hướng đi mở cho ngành Nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong những năm tới.

Qua thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã cho kết quả tốt và là cơ sở để lựa chọn áp dụng cho sản xuất đại trà. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ làm hướng đi chính, đầu tư hàng tỷ đồng và đã đạt được những thành công.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 1 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và trên 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản mang lại hiệu quả cao, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Một số doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Công ty Việt Xanh, huyện Yên Khánh đã hình thành chuỗi giá trị rau củ khép kín: sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Công ty cũng có vùng nguyên liệu rau, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn; Công ty Cổ phần thủy sản Bình Minh, huyện Kim Sơn, nuôi tôm công nghệ cao...

Với quan điểm đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững bên cạnh vai trò "đầu tàu" của các doanh nghiệp những năm qua tỉnh Ninh Bình đã khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, hoàn thành việc chuyển đổi HTX hoạt động với quy mô mở rộng, chất lượng và hiệu quả ngày càng nâng lên.

Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 1 Liên hiệp HTX, 315 HTX dịch vụ nông nghiệp, 102 HTX ngành hàng, 171 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 322 trang trại. Các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đã thành lập được các câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo khởi nghiệp nông nghiệp, là cầu nối liên kết hợp tác, sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Kinh tế hộ gia đình tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả, bền vững hơn.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định vai trò "trụ đỡ" trong nền kinh tế, tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu trong ngành Nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình vẫn còn chậm, nhất là lĩnh vực trồng trọt chiếm tỷ trọng cao. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tính ổn định chưa cao, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, bảo quản sau thu hoạch và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển; diện tích sản xuất hàng hóa tập trung gắn kết giữa sản xuất với chế biến, xuất khẩu chưa nhiều, công tác thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng, tỉnh Ninh Bình đang tích cực khuyến khích hình thành, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả. Đồng thời tăng cường các chính sách tạo "nền móng" cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Bảo Yến- Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doi-moi-va-nang-cao-hieu-qua-cac-hinh-thuc-to-chuc-san-xuat/d20210727144656644.htm