Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trong kỷ nguyên vươn mình

Ngày 25.7, Hội thảo khoa học quốc gia 'Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên lý luận chính trị trên cả nước.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp tổ chức.

Đồng chủ trì hội thảo có các đại biểu: Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an.

Các đại biểu đồng chủ trì Hội thảo

Các đại biểu đồng chủ trì Hội thảo

Xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu cần phải đối mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục quốc dân, tạo sự chuyển biến thực chất về nhận thức chính trị cho học sinh, sinh viên.

Do đó, hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm góp phần cung cấp những luận chứng khoa học, thực tiễn về công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trong kỷ nguyên mới, để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời đề xuất các định hướng, giải pháp tiếp tục chỉ đạo, định hướng đổi mới giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, nhận thức tầm quan trọng của lý luận chính trị và giáo dục chính trị, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác này, đặc biệt, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 94-KL/TW về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn

Hơn 10 năm qua, quá trình thực hiện Kết luận số 94 cơ bản đã được đặt trong tổng thể, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nêu những bước phát triển vượt bậc của giáo dục Việt Nam, trong đó có sự coi trọng, đổi mới nội dung, phương pháp học tập lý luận chính trị, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập.

Đồng thời nhấn mạnh bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới đã đặt ra vấn đề cho ngành giáo dục nói chung cũng như giáo dục lý luận chính trị nói riêng về yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có tư duy độc lập, sáng tạo...

GS.TS Lê Văn Lợi khẳng định, việc đổi mới giáo dục học tập lý luận chính trị cần tiếp tục sâu rộng hơn. Đổi mới tư duy về giáo dục lý luận chính trị phải đặt trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, giảng dạy và giáo dục lý luận chính trị cũng phải nằm trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề toàn cầu mới xuất hiện.

Trên cơ sở đó, đổi mới về cơ chế, thể chế, chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục, học tập lý luận chính trị cũng như phải đổi mới nội dung chương trình, phải tăng cường tính thời sự, thực tiễn..., ông Lê Văn Lợi gợi mở.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên lý luận chính trị trên cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bằng những luận chứng khoa học và thực tiễn, từ nhiều góc độ khác nhau, hơn 70 bài tham luận gửi về Ban tổ chức đã tập trung phân tích, làm rõ, luận giải những nội dung tiền đề quan trọng, ý nghĩa, thiết thực, sâu sắc của Kết luận số 94-KL/TW; khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp giáo dục, giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ...

Các đại biểu đánh giá, qua hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 94, tỉ lệ học sinh, sinh viên được tiếp cận với các môn học lý luận chính trị ngày càng tăng; nhiều trường đã có sáng kiến đổi mới giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn; nhiều mô hình giảng dạy sáng tạo như học tập ngoại khóa, thảo luận chuyên đề, sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội đã bước đầu phát huy kết quả...

Bên cạnh đó, cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cơ bản cần khắc phục như nội dung giáo trình còn nặng tính hàn lâm, thiếu gắn kết thực tiễn; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; đội ngũ giảng viên lý luận chính trị còn thiếu về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất lạc hậu; thiếu bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả giáo dục chính trị trong thực tiễn; một bộ phận sinh viên chưa tích cực, hứng thú học lý luận chính trị.

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp để xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 94-KL/TW của Ban Bí thư

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp để xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 94-KL/TW của Ban Bí thư

Đồng thời, các đại biểu đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược và đột phá, bao gồm: Rà soát, cập nhật nội dung chương trình lý luận chính trị theo hướng tích hợp, gắn với thực tiễn đất nước và các vấn đề toàn cầu như chuyển đổi số, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, chủ quyền số...

Đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, áp dụng công nghệ số, tăng tính tương tác và khả năng phản biện trong học tập; phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu mới; giỏi lý luận, am hiểu thực tiễn, thành thạo công nghệ và có bản lĩnh chính trị.

Ngoài ra, thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ GD&ĐT, các bộ ngành liên quan và các địa phương trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương của Đảng về giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý nội dung và chất lượng giáo dục lý luận chính trị; xây dựng bộ công cụ kiểm định hiệu quả giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ban tổ chức cho biết, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp, chắt lọc phục vụ xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 94 của Ban Bí thư, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, định hướng đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian tới.

Theo QUỲNH HOA

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/doi-moi-viec-hoc-tap-ly-luan-chinh-tri-trong-he-thong-giao-duc-quoc-dan-trong-ky-nguyen-vuon-minh-156180.html