Đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Gia Lai thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Chất lượng công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong toàn Đảng bộ đã được nâng cao nhờ đổi mới về phương thức, cách thức triển khai theo hướng sinh động, thiết thực.
Đa dạng hình thức học tập, quán triệt
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức kết nối hội nghị trực tuyến học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025); các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các Đảng bộ trực thuộc. Nhiều hội nghị được kết nối trực tuyến đến tận cấp xã, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại, đối tượng được triển khai rộng hơn. Cán bộ, đảng viên công tác, sinh hoạt tại cơ sở được trực tiếp tiếp thu các bài giảng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và báo cáo viên trung ương.
Công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI có nhiều đổi mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ toàn tỉnh theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính đến các điểm cầu cấp huyện nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Hội nghị tổ chức trong 1,5 ngày với hơn 3.400 đại biểu tham dự. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động biên soạn, kịp thời phát hành tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên; tài liệu học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; tài liệu hỏi-đáp tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI dùng cho đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên báo chí là quần chúng và các chức sắc tôn giáo với hơn 270 đại biểu tham dự.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nội dung Hội nghị Trung ương 3, 4 (khóa XIII) của Đảng được triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền nhanh, hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Để quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức hội nghị cán bộ toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt, học tập theo chương trình hội nghị toàn quốc, kết nối trực tuyến từ đầu cầu trung ương đến điểm cầu của tỉnh và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã; tổng số có 165 điểm cầu với 19.974 cán bộ, đảng viên tham dự. Sau hội nghị cấp tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên tập và sao lưu vào USB các bài giảng của báo cáo viên trung ương phát đến các chi bộ, Đảng bộ cơ sở phục vụ việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại địa phương, đơn vị. Đồng thời, biên tập và phát hành tài liệu ngắn gọn bằng 3 thứ tiếng Kinh, Jrai, Bahnar để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề của Đảng, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai sâu rộng trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống các cơ quan báo chí của tỉnh, website, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, trên internet, mạng xã hội với nhiều hình thức, thể loại sinh động, dễ nhớ; thông tin, tuyên truyền qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan trên các pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn, bảng điện tử tại nơi công cộng. Một số địa phương trong tỉnh đã biên tập ngắn gọn nội dung cơ bản các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng rồi tuyên truyền trên loa phát thanh tại các xã để cán bộ, đảng viên và Nhân dân vừa lao động vừa nghe, góp phần lan tỏa nghị quyết hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Cụ thể, một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng; coi nhẹ việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Công tác tổ chức triển khai học tập chưa chu đáo từ khâu xây dựng kế hoạch đến chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc, ảnh hưởng đến hiệu quả việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Nhiều nơi không tổ chức học bù, học vét cho các đối tượng vắng mặt trong lần học trước; chưa chú trọng đúng mức việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, trước hết là kết quả nhận thức của cán bộ, đảng viên về các nội dung cơ bản của nghị quyết.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ cần nghiên cứu và tiếp tục cụ thể hóa một số giải pháp như nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là bí thư cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy Đảng cũng cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng quy định trách nhiệm của từng cấp ủy viên trên cơ sở nhiệm vụ được cấp ủy phân công; kịp thời biểu dương và phê bình những cấp ủy viên và bí thư cấp ủy thực hiện tốt và chưa tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, các cấp ủy cần đổi mới hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng nhanh, hiệu quả. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, việc triển khai tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đã được đổi mới bằng phương pháp truyền hình trực tiếp đến cơ sở. Đây là cách làm mới, có mặt tích cực là thời gian hoàn thành việc học tập nghị quyết rất nhanh gọn, các cấp cơ sở không phải tổ chức hội nghị như trước đây; cán bộ, đảng viên các cấp đều có điều kiện được nghe báo cáo viên cấp trên truyền đạt nghị quyết, tiết kiệm tối đa chi phí ăn nghỉ, di chuyển.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần chú trọng đổi mới công tác quản lý các lớp học. Cụ thể, các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc thống kê, tập hợp danh sách đối tượng học tập, trực tiếp quản lý học viên trên lớp; tổ chức điểm danh thường xuyên sĩ số lớp học bằng hình thức xin ý kiến học viên góp ý vào nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức lớp học; thông báo công khai cho cấp ủy cơ sở tình hình học tập của học viên, lấy kết quả học tập để đánh giá tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp, đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở. Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống báo cáo viên các cấp bảo đảm về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, đồng thời ban hành quy chế, quy định về hoạt động của đội ngũ này.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí khung để đánh giá chất lượng học tập của cán bộ, đảng viên sau mỗi đợt học tập, quán triệt; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra chất lượng người học bằng hình thức viết bài thu hoạch của mỗi cán bộ, đảng viên sau học tập.