Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Chiều 23-12, tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức cuộc họp về Đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Dự và chủ trì cuộc họp có đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP.
Theo báo cáo tại cuộc họp, triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn bộ phận một cửa các cấp để giải quyết TTHC. Trong đó, 59/63 địa phương thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa vật lý và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC, như: Hà Nội, Đồng Tháp, Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng,...
Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, VPCP đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng Đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I-2021. Đề án sẽ có các nội dung về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Xây dựng bộ phận một cửa hiện đại, hiệu quả. Đẩy mạnh việc số hóa, lưu trữ tài liệu, hồ sơ giải quyết TTHC. Nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử… Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới vào khoảng 8.800 tỷ đồng/năm (giảm số lượng bộ phận một cửa; tiết kiệm chi phí do tái sử dụng lại giấy tờ, tài liệu; tiết kiệm chi phí do tăng tỷ lệ thực hiện thủ tục theo phương thức điện tử; tiết kiệm chi phí do giảm thời gian chờ đợi).
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá, đề án sẽ giúp cải cách mạnh mẽ quy trình giải quyết TTHC, trên cơ sở hiệu quả, sản phẩm cụ thể. Cải cách phương thức hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông; cơ cấu, sắp xếp lại trung tâm hành chính công theo hướng đơn giản hóa, đổi mới. Khuyến khích cơ chế xã hội hóa trong quá trình số hóa các tài liệu, hồ sơ giải quyết TTHC. Trong quá trình số hóa cần thống nhất về cấu trúc, mẫu hồ sơ, nâng cao tỷ lệ hồ sơ được số hóa.