Đội nắng, băng rừng tiếp sức học sinh vùng 'rốn lũ'
Trong 10 năm công tác, cô Trà Thị Thu (tỉnh Quảng Nam) đi bộ hàng chục cây số tới trường để truyền đạt kiến thức cho trò...
Suốt 10 năm công tác, cô Trà Thị Thu (Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) không quản ngại khó khăn, đi bộ hàng chục cây số để truyền đạt kiến thức cho trò. Cô cũng tích cực vận động, kêu gọi hỗ trợ để tăng nguồn dinh dưỡng cho bữa cơm của học trò, cải thiện lớp học khang trang, an toàn vùng rốn lũ.
Hành trình gian khó tới trường
Sau 2 năm hoàn thành khóa Sư phạm Tiểu học, bằng tình yêu thương con trẻ và khả năng tự lập từ nhỏ, cô Thu đã thuyết phục gia đình và viết đơn tình nguyện lên huyện Nam Trà My công tác để hiện thực hóa ước mơ thời thơ ấu.
“Qua nhiều lần tôi viết đơn gửi nguyện vọng tha thiết được giảng dạy, tháng 10/2014, niềm vui thật sự đã đến. Tôi được bố trí làm việc tại một trường mẫu giáo và ba tháng sau, tôi được ký hợp đồng chính thức được đứng lớp tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập”, cô Thu nhớ lại.
Cô nhớ mãi tâm trạng háo hức của ngày đầu nhận công tác, được thỏa mãn đam mê dạy học của mình. Tuy nhiên, hành trình đến với ngôi trường không như hình dung của một cô giáo trẻ. Hàng ngày cô phải đi bộ, leo dốc hơn 4 giờ đồng hồ trong thời tiết khắc nghiệt mới đến được trường.
Đã vậy, đây lại là một ngôi trường ẩm thấp, không có tivi, không sóng điện thoại và không có cả điện thắp sáng. 40 học trò ngày đó ngước những đôi mắt trong veo trên gương mặt lem luốc ngạc nhiên ngắm cô giáo của mình. Các em chỉ có vốn tiếng Việt ít ỏi nên thời gian đầu, ban ngày, cô nói phần cô, trò nói phần trò.
Tối tối, nằm nghĩ về công việc đến mất ngủ, cô Thu gạt những giọt nước mắt hoang mang, cô đơn và nhớ nhà khôn nguôi. Khó khăn ngoài sức tưởng tượng đã khiến cô thoáng nghĩ tới việc rời bỏ công việc yêu thích. Nhưng rồi ngày qua ngày, có một sức mạnh tiềm ẩn bên trong níu cô lại.
Vẻ hồn nhiên, trong sáng, tiếng ê a đọc bài của những em nhỏ vùng cao ngoan hiền, cùng sự đùm bọc của bà con thôn bản đã làm nên chất kết dính cô với vùng đất khắc nghiệt này. Đam mê dạy học, lòng kiên trì, lạc quan của bản thân và sự động viên của đồng nghiệp đi trước, của lãnh đạo nhà trường đã giúp cô Thu từng bước vượt qua mọi khó khăn.
Năm học 2015 - 2016, từ sự tin tưởng của lãnh đạo nhà trường, cô Thu được tăng cường đến điểm trường khó khăn hơn. Để đến điểm trường Răng Dí (thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập), cô giáo trẻ lại tiếp tục hành trình vượt con đường đồi dốc, đi bộ nhiều giờ đồng hồ đường rừng.
“Nắng thì còn đỡ vì chỉ chồn chân mỏi gối, nhưng mưa thì vất vả vô cùng, đường trơn, dốc cao tôi bị trượt dốc ngã không biết bao nhiêu lần, có lần chân sưng vù, phải tập tễnh cả tuần”, cô Thu kể.
Lớp học ở điểm lẻ được xây dựng tạm bợ bằng phên tre vách nứa, nền đất, không có điện, không có tivi, nước uống cũng khan hiếm, giáo viên phải hứng cả ngày mới đủ để dùng. Ban ngày, để được đi học chữ, mỗi học sinh phải cõng ít nhất một đứa em theo cùng, có học sinh phải “đèo bòng” thêm hai đứa em cùng ngồi học với mình để cha mẹ đi rẫy. Điều đó thôi thúc cô Thu tìm cách mang niềm vui, hạnh phúc đến cho các trò và cô đã tham gia câu lạc bộ “kết nối yêu thương” huyện Nam Trà My.
Cứ thế, niềm đam mê với những chuyến đi tình nguyện vào các ngày nghỉ đã giúp cô học hỏi thêm cách làm. Cô kêu gọi nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho học sinh và bà con dân bản.
Các dự án nhỏ được thực hiện như 9 tháng “bầu sữa yêu thương” cho học sinh; 9 tháng “bữa ăn dinh dưỡng” cho học sinh tại điểm trường; hơn 300 suất quà hỗ trợ cho bà con, với tổng trị giá hơn 120 triệu đồng… đều là những thành quả do cô vận động được. Bản thân cô trong vai trò tình nguyện viên cũng giúp đỡ bà con khó khăn trong huyện hơn 20 ngày công; trực tiếp nấu bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh.
Kiên nhẫn đi là có đường!
Năm học 2017 - 2018, ngoài công việc giảng dạy ở điểm trường Mô Rỗi, cô Thu tiếp tục vận động được 540 bữa ăn hàng ngày cho 10 học sinh ở lại trường; 72 bữa ăn dinh dưỡng cho tất cả học sinh; 50 thùng sữa, hơn 300 suất quà cho bà con nhân dân với tổng trị giá 174 triệu đồng.
Không chỉ giúp đỡ, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các em, cô Thu còn trực tiếp chăm nuôi 10 em nhỏ từ 3 tuổi đến 6 tuổi phải ở lại trường học cả tuần vì nhà quá xa. Vừa là cô giáo, vừa làm mẹ hiền, cô đã chăm sóc các em, không chỉ bữa ăn, giấc ngủ, mà còn cả lúc các em đau ốm, buồn khóc nhớ nhà. Sau đó, cô Thu còn tiếp tục nhận chăm nuôi 12 học sinh nhà xa trường.
“Tôi không nỡ để các em đi bộ về nhà vì như thế rất ảnh hưởng đến sức khỏe và các em khó đi học chuyên cần. Do đó, tôi lại cố gắng kêu gọi và nuôi các em thêm 1 năm nữa, hi vọng các em sẽ tốt hơn từng ngày” - cô Thu tâm sự.
Nói là làm, cô đã vận động, quyên góp được 560 bữa ăn hàng ngày cho 12 học sinh ở lại trường, 70 bữa ăn dinh dưỡng cho tất cả học sinh, hơn 300 suất quà cho bà con nhân dân, tổng trị giá hơn 160 triệu đồng.
Năm học 2019 - 2020, cô Thu được phân công đến điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My). Gặp các em nhỏ và bà con, trong cô lại dào dạt tình thương, lòng nhủ lòng phải cố gắng từng ngày để làm được nhiều việc ý nghĩa hơn. Dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng khai giảng năm học mới nào điểm trường Tắk Pổ cũng luôn rạng ngời. Khi những khoảnh khắc tươi đẹp, sinh động ấy được cô chia sẻ lên trang Facebook cá nhân đã nhận được rất nhiều sự động viên, chia sẻ.
Tại điểm trường mới, cô Thu lại tiếp tục những hoạt động thiện nguyện và cô đã vận động được tổng trị giá 500 triệu đồng, bao gồm: 70 bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh, hơn 500 suất quà cho bà con nhân dân, 10 bộ đèn năng lượng thắp sáng con đường từ làng vào trường, 1 tivi, 2 tủ sách, 500 ghế nhựa, 1 máy vi tính, 1 loa, 1 khu vui chơi cho học sinh, dụng cụ học tập…
Sau một thời gian, cô Thu được chuyển công tác về điểm trường chính. Dù ở đâu, cương vị nào, cô cũng luôn đau đáu nỗi niềm với học sinh. Một năm sau, cô lại được phân công quay về giảng dạy tại điểm trường Tắk Pổ trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa cùng đồng nghiệp cô từng gắn bó.
Niềm vui lớn đủ đầy khi con đường cô từng lội bộ leo núi, vượt sông suối vài giờ đồng hồ nay đã thành đường xe chạy vào tận sân trường. Tuy là đường đất còn nhiều khó khăn nhưng với cô và bà con nơi đây, đó cũng là sự đổi mới đầy hạnh phúc như báo hiệu tương lai tươi sáng.
Chẳng phải, cứ kiên nhẫn đi là có đường hay sao!
Với cô Thu, năm học nào các em đều được lên lớp chính là niềm hạnh phúc. Điều cô tâm niệm nhất là làm sao để lan tỏa sâu rộng tới xã hội về sự cống hiến của thầy, cô giáo ở những địa bàn khó khăn. Tuy gian nan nhưng người thầy vẫn không bỏ cuộc, luôn kiên trì, lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.