Đôi nét về lễ Sene Đôn Ta
Hàng năm cứ vào ngày 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng lại tổ chức lễ Sene Đôn Ta nhằm tưởng nhớ đến công ơn bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và cầu mong đạt được những điều tốt lành, phước đức của người đang sống đối với người đã khuất. Lễ Sene Đôn Ta từ lâu được xem là một trong những nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào Khmer là một nghi lễ lớn trong năm của đồng bào, mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, xen lẫn tôn giáo. Nghi lễ thể hiện được truyền thống đạo lý “Cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc.
Thượng tọa Lâm Sương - Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc trăng, Trụ trì chùa Om Pu Year nói: “Lễ Sene Đôn Ta còn được gọi là lễ Phchum banh (Ph-chum banh) - lễ tụ hội phước đức, vì người Khmer xem lễ này là lễ lớn nhất trong các lễ tạo phước đức, bởi người Khmer làm bất cứ một lễ nào, hầu như tất cả để tạo nên phước đức. Đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua đời, tốt nhất là cốt, tro được lưu giữ trong tháp cốt của nhà chùa, được mát mẻ dưới bóng cây Bồ đề”.
Lễ Sene Đôn Ta thường diễn ra trong ba ngày:
Ngày thứ nhất: Mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về cùng con cháu. Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngoài ra, các vị achar lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng tam bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, rồi đem ra ngoài để chung quanh chính điện cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu.
Ngày thứ hai: Bà con người Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng chính, sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc.
Ngày thứ ba: Mỗi nhà, bà con chuẩn bị mâm cơm, họ mời vài vị sư cùng họ hàng thân tộc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Riêng phần chuẩn bị cho ông bà, người thân quá cố, bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn thêm cờ phướn, 2 hình nộm (tượng trưng cho tổ tiên) và các thức cúng mỗi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã… rồi thắp nhang, đèn mang thuyền thả dưới sông, kênh rạch gần nhà để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.
Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào Khmer Nam Bộ là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, những người quá cố đối với con cháu. Bên cạnh đó, lễ này còn thể hiện nét đẹp truyền thống của tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đời sống văn hóa gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/doi-net-ve-le-sene-don-ta-51462.html