Đối ngoại đa phương giúp Việt Nam khẳng định vị thế

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ 'tham gia tích cực' lên 'chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương', góp phần giúp Việt Nam khẳng định được chỗ đứng xứng đáng của mình với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

 Các đại biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020

Các đại biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020

Với chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam tham gia tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM)…

Đặc biệt, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm, là "chủ nhà" của nhiều hội nghị lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, mà gần đây là Năm APEC 2017 và Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018). Chỉ cần nhìn vào việc lần thứ hai trong một thập niên, Tuần lễ cấp cao APEC mới quy tụ được nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy, hay WEF ASEAN 2018 được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong gần 3 thập niên qua, có lẽ cũng đủ để khẳng định được vị trí chiến lược, vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam, sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

Thành công của Năm APEC 2017 hay WEF ASEAN 2018 khẳng định khả năng chủ động tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực của Việt Nam, được thể hiện qua việc lựa chọn chủ đề và các ưu tiên đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung, vai trò cân bằng trong điều hành, khéo léo điều hòa khác biệt, thúc đẩy điểm tương đồng giữa các bên để tạo sự đồng thuận chung.

Cùng với đó, những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn ASEAN, ASEM, Liên Hợp Quốc với tư cách thành viên cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) với tư cách khách mời cũng được bạn bè, đối tác hưởng ứng tích cực.

Đất nước càng hội nhập quốc tế sâu rộng thì đối ngoại đa phương càng khẳng định rõ bản lĩnh và bản sắc của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngay trong năm đầu tiên triển khai Chỉ thị số 25/CT-TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, từng bước phát huy vai trò “trung gian, hòa giải” trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của một Việt Nam đổi mới, hội nhập mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được của đối ngoại đa phương trong thời gian qua góp phần giúp Việt Nam khẳng định được tầm vóc và vị thế của mình trên bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế. Bác Hồ từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng, thế và lực của đất nước ta đã được nâng lên. Việt Nam giờ đây ngày càng tự tin đem “cái chiêng” ấy ra thế giới để gióng lên “cái tiếng” cho bạn bè quốc tế cùng nghe. Đây chính là hành trang để Việt Nam tự tin đảm nhận những trọng trách lớn của khu vực và quốc tế trong thời gian tới, trong đó có “vai trò kép” Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Thùy Dương (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/doi-ngoai-da-phuong-giup-viet-nam-khang-dinh-vi-the-76762.html