Đối ngoại Đảng đột phá, linh hoạt
2023 là năm hoạt động đối ngoại diễn ra mạnh mẽ và nhộn nhịp nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó đặc biệt quan trọng là các dấu ấn về vị thế của Đảng và của Nhà nước ngày càng nâng cao.
Cho đến những ngày cuối của năm 2023, hoạt động ngoại giao Việt Nam (VN) vẫn nhộn nhịp. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao VN tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản, đồng thời có hàng loạt hoạt động song phương tại “đất nước mặt trời mọc”.
Trước đó, rất nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao, từ các nước láng giềng gần đến các nước bạn bè xa, từ nền kinh tế nhỏ đến những siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới… đã có các hoạt động viếng thăm qua lại, làm việc, ký hàng trăm văn bản quan trọng, đồng thời nâng cấp quan hệ với VN lên tầm cao mới.
Chìa khóa: Ổn định + tăng trưởng
Những thành công nổi bật, nếu không muốn nói là vượt mong đợi, trên lĩnh vực đối ngoại trong năm 2023 nói riêng và cả giai đoạn vài năm trở lại đây nói chung đến từ những yếu tố khác nhau. Báo chí, giới chuyên gia trong nước và quốc tế đã không ít lần mổ xẻ những thành công này của VN. Trong đó, phần lớn đều nhấn mạnh đến sự ổn định của nền chính trị VN, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong suốt nhiều năm qua.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của VN năm 2000 đạt gần 500 USD, xếp thứ 173/200 trên thế giới. Đến năm 2022, GDP bình quân đầu người VN đạt gần 4.163 USD, xếp hạng 117 trên thế giới. Như vậy, sau hơn hai thập niên, GDP bình quân đầu người VN tăng 56 bậc…
Song song đó, VN không ngừng mở rộng quan và thắt chặt quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2023, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, VN đạt được nhiều kết quả mà một số người gọi là “thần kỳ”. Điển hình, đến nay VN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, đáng chú ý chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước trong nhóm G20. VN cũng đã chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; ký kết hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với khoảng 60 nền kinh tế…
Có thể nói bộ đôi “ổn định và tăng trưởng” của VN trong hơn chục năm qua đã tạo ra sự an tâm và cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự bất ổn hơn bao giờ hết khi xung đột, mâu thuẫn, đối đầu, cạnh tranh địa kinh tế lẫn địa chính trị xảy ra ở nhiều khu vực từ Á, Âu, Phi đến Mỹ Latinh. Thế nên nhiều người nói VN là điểm đến lý tưởng cho các sáng kiến vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển là vì vậy.
Chúng ta cùng nhớ lại sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un đến đàm phán thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên hồi năm 2019. Khi đó, không chỉ các chính trị gia mà còn rất nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đều đưa ra các gợi ý về việc Triều Tiên nên xem xét tham khảo mô hình phát triển kinh tế - chính trị của VN. Việc hai ông Trump - Kim chọn VN làm điểm đến cũng phần nào cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng của các nhà lãnh đạo về VN.
Hay như năm 2023, hai siêu cường - Mỹ và Trung Quốc (TQ) - cũng đã có một năm ngoại giao nhộn nhịp với VN. Việc lãnh đạo hai cường quốc đều đến thăm, làm việc với VN và lãnh đạo VN cũng đến thăm, làm việc tại TQ và Mỹ trong tâm thế cởi mở, thiện chí và hợp tác cũng chứng minh sự an tâm, tin cậy của các nước lớn đối với VN. Họ không chỉ bắt tay với VN về chính trị - ngoại giao, mà còn về kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao nhân dân, giáo dục…
Dù mối quan hệ “vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” (VN - Mỹ) hay là “cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược” (VN - TQ) thì giá trị duy nhất mà VN hướng đến khi bắt tay, đồng hành, hợp tác với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, như Thủ tướng Phạm Minh Chính và một số chính trị gia VN từng nhiều lần nhấn mạnh đó là: Chính nghĩa (chứ không phải chọn phe).
Đột phá trong tư duy đối ngoại
Một nhân tố khác giúp hoạt động đối ngoại của VN thành công đó chính là sự đột phá mạnh mẽ về tư duy. Hãy nhìn lại chuyến thăm chính thức của Tổng thống Joe Biden đến VN hồi tháng 9-2023. Đây là lần đầu một tổng thống Mỹ đến thăm VN theo lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hơn tám năm trước (tháng 7-2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi đó nhận xét cuộc gặp của Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng là “cuộc gặp lịch sử”, còn giới quan sát quốc tế khi ấy cũng rất chú ý đến sự kiện đặc biệt chưa từng có tiền lệ này.
Còn nhớ hồi cuối năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm VN sau khi hai nước vừa trải qua năm năm đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao đã ngẫu hứng lẩy hai câu Kiều để cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đức Lương: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”. Phó Tổng thống Joe Biden (năm 2015), Tổng thống Barack Obama (năm 2016) cũng lẩy Kiều để nói về sự phát triển ngày càng nồng ấm trong quan hệ hai nước. Đến năm 2023, Tổng thống Joe Biden khi đến thăm VN tiếp tục lẩy Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”.
Từ năm 2000 đến nay, xem bốn câu Kiều của các tổng thống Mỹ và những sự kiện lịch sử chưa từng có, dễ thấy quan hệ vốn đã “sang xuân” nay “lại thêm xuân một ngày”. Giới quan sát gọi đó là sự thay đổi nhận thức rất mạnh mẽ, sự tôn trọng tuyệt đối của lãnh đạo Mỹ đối với vai trò của Đảng Cộng sản VN, với thể chế chính trị của VN. Không chỉ Mỹ, các quốc gia là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng ngày càng thắt chặt quan hệ vì hòa bình, hợp tác, phát triển với VN; tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, sự khác biệt về ý thức hệ, thể chế chính trị - vốn từng là một rào cản trong thúc đẩy quan hệ giữa VN với các nước.
Sự thay đổi về nhận thức của các nước không đến từ tự nhiên, mà đến từ một nhân tố quan trọng: Sự đột phá trong tư duy đối ngoại của VN, trong đó có đối ngoại Đảng và chủ trương “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ, không phân biệt chế độ chính trị”. Rõ ràng từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ thế giới trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi sau đó là giai đoạn bị cô lập, cấm vận trong những thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ 20, đến nay VN đã đạt được những bước tiến rất dài trên trường quốc tế. Nói như Nghị quyết Đại hội XIII, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Phân tích Nghị quyết Đại hội Đảng qua các thời kỳ, ít nhất là từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay, sẽ thấy rõ sự trưởng thành của Đảng trong tư duy, chiến lược đối ngoại. Chiến lược này theo hướng gác lại những chuyện không vui, tìm cách gỡ bỏ các rào cản về tâm lý lẫn địa lý, đưa VN ngày càng gần hơn với các quốc gia. Bên cạnh đó là thêm nhiều giải pháp hội nhập mạnh mẽ hơn với các giá trị văn minh chung của thế giới, như luôn giải quyết mâu thuẫn hoặc tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự khác biệt, hợp tác cùng phát triển bền vững…
Một năm ngoại giao nhộn nhịp
Một trong những hoạt động đối ngoại “mở hàng” của năm 2023 là chuyến thăm chính thức Singapore, Brunei của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao VN hồi đầu tháng 2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi trao đổi với báo chí đã nhấn mạnh chuyến thăm đạt nhiều thành quả, đặc biệt là việc triển khai các hoạt động, kế hoạch, cơ chế hợp tác cụ thể về kinh tế, đầu tư, hàng hải, thương mại, lãnh sự cùng các hoạt động nghiên cứu và đào tạo…
Kể từ sau đó, hàng loạt chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội VN đến các nước và ở chiều ngược lại, nguyên thủ các nước cũng đến VN trong tâm thế phấn khởi, thiện chí và mở rộng hợp tác. Chỉ trong năm qua, VN nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật Bản lên tầm đối tác chiến lược toàn diện; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với TQ, Nga, Ấn Độ; kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với Anh, Pháp, Phần Lan; đón Thủ tướng Campuchia Hun Manet lần đầu đến thăm VN trên cương vị mới…
Các chương trình, sự kiện đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong năm 2023 đều được tổ chức chu đáo, thành công không chỉ về mặt lễ tân, mà còn cả về chiều sâu trong hợp tác kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh.
Điển hình nhất có thể kể đến là chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9-2023; chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình cùng phu nhân hồi tháng 12-2023. Đây là hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, là những đối tác quan trọng hàng đầu của VN, xem VN là đối tác rất quan trọng trong thúc đẩy các chương trình hợp tác vì hòa bình, hữu nghị, thịnh vượng, phát triển chung của khu vực và thế giới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-ngoai-dang-dot-pha-linh-hoat-post775484.html