Đội ngũ luật sư tăng gấp 6,5 lần sau 13 năm xã hội hóa
Một trong những lĩnh vực bổ trợ tư pháp được Bộ Tư pháp chủ động thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ theo Nghị quyết số 49-NQ/TW chính là hoạt động luật sư (LS). Nổi bật hơn cả là sau 13 năm kiên trì, mạnh dạn xã hội hóa, đội ngũ LS đã có bước phát triển mang tính đột phá, tăng từ 1.883 lên 12.262 LS, tương ứng gấp hơn 6,5 lần.
Số lượng tăng hơn 550% về tỷ lệ
Để bảo đảm thực hiện theo đúng chủ trương cải cách tư pháp, Bộ Tư pháp đã tập trung vào việc xây dựng cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động LS, nhất là việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật LS năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS năm 2012. Trong đó quy định rõ nội dung quản lý nhà nước, thẩm quyền quản lý và phân định rõ quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp LS.
Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật LS. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Đề án “Phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” và Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020.
Về phát triển đội ngũ LS, tính đến năm 2018, cả nước đã thành lập 63 Đoàn LS tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có tổng số 12.262 LS, hoạt động trong 3.871 tổ chức hành nghề LS. So với năm 2005 mới có 1.883 LS và 839 tổ chức hành nghề thì tỷ lệ LS tăng hơn 550% (gấp hơn 6,5 lần) và tỷ lệ các tổ chức hành nghề tăng hơn 350% (gấp hơn 4,6 lần).
Cùng với sự phát triển về số lượng, trong những năm gần đây, chất lượng của đội ngũ LS ở nước ta đã và đang từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động LS. Số LS có trình độ cử nhân luật trở lên chiếm khoảng 99%; số LS đã qua đào tạo nghề LS chiếm hơn 80% tổng số LS của cả nước. Đồng thời, đã hình thành được một số công ty luật lớn, hoạt động chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong khu vực; số LS đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng ngày càng phát triển.
Góp phần giảm thiểu các vụ án oan, sai
Báo cáo từ các Đoàn LS cho thấy, trong 3 năm 2015 – 2017, đội ngũ LS Việt Nam đã tham gia 43.738 vụ án hình sự, 77.840 vụ việc dân sự, tư vấn trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại, 4.515 vụ án hành chính, lao động; tư vấn pháp luật gần 271 nghìn vụ việc; đại diện ngoài tố tụng hơn 5.700 vụ việc; các dịch vụ pháp lý khác xấp xỉ 18 nghìn vụ việc và tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí gần 110,6 nghìn vụ việc. Riêng năm 2018, theo báo cáo của 59/63 Đoàn LS, đội ngũ LS Việt Nam đã tham gia 12.450 vụ án hình sự, trong đó có 7.395 vụ án hình sự chỉ định và 5.055 vụ án hình sự được khách hàng mời. Số liệu thống kê cho thấy 100% các vụ án theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đều có LS tham gia.
Một số LS, tổ chức hành nghề LS Việt Nam thời gian qua đã trưởng thành nhanh chóng, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế. Một số tổ chức hành nghề LS của Việt Nam đã tham gia tư vấn thành công những hợp đồng thương mại, dự án đầu tư lớn mang tầm quốc gia, tạo được tiếng vang trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế, có tên trong bảng xếp hạng các công ty luật đang hoạt động tại Việt Nam của những tạp chí chuyên ngành như International Financial Law Review, Asia – Pacific Legal…
Chất lượng tham gia tố tụng của LS cũng được nâng lên một bước. Đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết 49-NQ/TW, hoạt động tham gia tố tụng của LS đã góp phần quan trọng thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, một trong những yêu cầu trọng tâm của cải cách tư pháp, góp phần cải thiện một bước chất lượng hoạt động tố tụng, làm tăng thêm tính dân chủ, công bằng tại các phiên tòa, giảm thiểu các vụ án oan, sai. Đa số LS thực hiện chức trách với tinh thần trách nhiệm cao trước khách hàng, trước pháp luật. Trong việc tham gia tố tụng hình sự, tỷ lệ án có sự tham gia của LS do công dân mời ngày càng tăng so với án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, qua hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, tổ chức và hoạt động của LS còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đáng chú ý nhất là một số tổ chức chưa nhận thức đúng về vai trò quản lý nhà nước, quá đề cao vai trò tự quản của tổ chức mình, chưa phối hợp tích cực với cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý LS và hành nghề LS.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về LS và hành nghề LS. Bên cạnh đó, tiếp tục thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS 2012 và các quy định của các đạo luật có liên quan đến LS và hành nghề LS; triển khai xã hội hóa hoạt động LS được đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế; chú trọng phát triển đội ngũ LS giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ…