Đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động: Ngày càng lớn mạnh
Hiện nay, đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVC - LĐ) trong tỉnh không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tạo thuận lợi cho nữ CNVC - LĐ phát triển
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn và các doanh nghiệp luôn quan tâm, tạo điều kiện vì sự tiến bộ của nữ CNVC - LĐ và thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo... được ban hành, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVC - LĐ.
Công nhân Công ty Thuyên Nguyên trong giờ sản xuất.
Chị Phạm Thị Nguyện, làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina, chia sẻ: Công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo công ty tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài các chế độ theo quy định của pháp luật, công ty còn có nhiều chính sách quan tâm đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản của công nhân nữ như có phòng nghỉ ngơi cho chị em mang thai; tổ chức các hoạt động nhân ngày 8.3, 20.10; hỗ trợ tiền giữ trẻ; chăm lo Tết, tặng quà cho nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn...
Theo Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đinh Thị Thanh Thủy, đối với các doanh nghiệp có điều kiện thì họ tổ chức cho người lao động tham gia các lớp tập huấn tại các công ty mẹ như Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina, Công ty TNHH Điện tử Foster... Riêng các công ty may mặc thì tổ chức tập huấn, đào tạo nghề tại đơn vị, thu hút đông đảo nữ công nhân tham gia.
Dù nữ CNVC - LĐ đảm nhận những trọng trách, công việc khác nhau, nhưng các chị luôn năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Khẳng định vị thế
Hiện toàn tỉnh có 34.255 nữ CNVC - LĐ. Trong đó, nữ CNLĐ ở doanh nghiệp chiếm 70 - 80%. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua của CNVC- LĐ và hoạt động công đoàn của tỉnh. Chất lượng đội ngũ nữ CNVC - LĐ không ngừng nâng lên. Tại các cơ sở sản xuất, nhiều chị đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến.
Những kết quả của nữ CNVC - LĐ đạt được trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khẳng định rằng, ở mọi vị trí, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực công tác, quản lý, nghiên cứu khoa học... các chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ là cán bộ chủ chốt các ban, ngành từ tỉnh đến huyện và lãnh đạo nữ giữ chức vụ trưởng phòng và tương đương ở cấp sở, ban, ngành, các phòng ban từ tỉnh đến huyện cũng tăng so với nhiệm kỳ trước...
Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đinh Thị Thanh Thủy phổ biến kiến thức pháp luật cho nữ CNLĐ ở KCN VSIP Quảng Ngãi.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Quang Tòa cho biết: LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo ban nữ công công đoàn các cấp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVC - LĐ; đồng thời, phát động các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo trong nữ CNVC - LĐ. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã tổ chức và phối hợp tổ chức 268 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết đại hội phụ nữ, với trên 15.600 lượt cán bộ nữ công và nữ CNVC - LĐ tham gia.
Các cấp công đoàn đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền, chuyên môn cùng cấp về chủ trương, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ; tổ chức các hoạt động “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, các vấn đề về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới; bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; DS - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và các phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...
Cũng theo ông Trần Quang Tòa, mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng công tác vận động nữ CNVC - LĐ và hoạt động nữ công thời gian qua cũng còn một số tồn tại. Đó là, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với nữ CNLĐ khu vực ngoài Nhà nước chưa thường xuyên. Khả năng phát huy quyền đại diện cho lao động nữ của ban nữ công ở một số đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều nơi hoạt động nữ công còn mang tính hình thức, chưa cụ thể hóa được nội dung hoạt động phù hợp với từng thành phần kinh tế, từng môi trường làm việc khác nhau. Công tác phát hiện bồi dưỡng, phát triển nhân tố tích cực trong nữ CNVC - LĐ còn chậm...