Đội ngũ y, bác sĩ đã chiến đấu bền bỉ để duy trì từng hơi thở của bệnh nhân
Chia sẻ với Thủ tướng, BSCKII. Lý Thế Huy cho biết, mỗi nhân viên y tế đều xác định người bệnh nhiễm COVID-19 như những người thân của mình; áp lực, vất vả nhưng ông chưa từng nghe lời than khổ, chỉ thấy sức chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều ngày 18/10/2021, các bác sĩ, người ở tuyến đầu chống dịch đã có những chia sẻ với Thủ tướng về công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, thăm hỏi đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tiêu biểu ở tuyến đầu chống dịch.
Phát biểu chia sẻ, BSCKII. Lý Thế Huy, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, kiêm nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi nhân viên y tế đều vì bệnh nhân, xác định người bệnh như những người thân của mình, với mục tiêu là cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Theo bác sĩ Huy, áp lực, vất vả là thế nhưng ông chưa từng nghe lời than khổ từ đội ngũ y, bác sĩ. Ở đó, chỉ thấy sức chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Lý Thế Huy, tất cả mọi người đều đồng lòng, tập trung hết sức lực, trí tuệ của mình để điều trị bệnh nhân tốt nhất, sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Chính điều đó giúp tất cả nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa từng ngày cố gắng vì nhau, vì bản thân họ, biết được nền tảng từ sức mạnh đồng đội, sự gắn kết giữa các bệnh viện, đơn vị khác nhau, biết tương trợ và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.
"Tôi cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và rất kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế, các thầy cô và các đồng nghiệp…", bác sĩ Lý Thế Huy phát biểu.
Chia sẻ với Thủ tướng, bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, đại dịch COVID-19 chính thức bùng phát tại Đồng Nai vào những ngày cuối tháng 6, với hàng loạt các ổ dịch xuất hiện trên nhiều địa bàn. Mặc dù cũng có nhận định, có đánh giá nguy cơ rất cao dịch bùng phát và có kịch bản ứng phó, nhưng thực tế dịch đã diễn ra rất nhanh và nặng nề, từ vài ca mỗi ngày, lên vài chục ca, đến vài trăm, vài nghìn ca mỗi ngày chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Với lực lượng y tế có hạn, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn và kinh nghiệm chống dịch không nhiều, lực lượng chi viện chưa có. Đây chính là thời điểm và giai đoạn khó khăn nhất trong công tác chống dịch tại Đồng Nai.
Bác sĩ Bạch Thái Bình cũng cho biết, bản thân ông cũng đã nhiều năm làm công tác lãnh đạo, quản lý, nhưng chưa bao giờ thấy được cả một tập thể hăng hái và tự nguyện xung phong tham gia vào tuyến đấu chống dịch như vậy. Tất cả nhân viên Trung tâm, từ cán bộ y tế, đến các kỹ sư, cử nhân trong các lĩnh vực môi trường, thực phẩm, tin học, tài chính... đều xung phong tham gia vào các đội truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Theo bác sĩ Bình, trong cuộc chiến chống dịch này, tinh thần làm việc của những cán bộ y tế thuộc CDC, cũng chính là tinh thần, quyết tâm của tất cả cán bộ ngành y tế. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên kết quả chống dịch như vừa qua.
"Với lương tâm, trách nhiệm của một thầy thuốc, tôi cảm nhận được động lực giúp mình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tất cả vì sức khỏe và tính mạng người dân. Với nhiều đêm thức trắng, có mặt tại tất cả các điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh cùng với chính quyền và ngành y tế tuyến huyện xã tổ chức công tác chống dịch. Có thể nói rằng, những tháng ngày ấy, trong suy nghĩ và hành động của mình chỉ còn 2 chữ “chống dịch”, bác sĩ Bạch Thái Bình nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Bạch Thái Bình, với sự quyết tâm của ngành y tế và cả hệ thống chính trị và người dân; cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế và sự chi viện của cả nước, những khó khăn rồi cũng qua đi. Tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai đã cơ bản được kiểm soát và hoạt động kinh tế xã hội đang từng bước khôi phục.
Còn sinh viên Trần Thị Bích Ngọc, Đại học Y Dược Thái Nguyên cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, của đoàn thanh niên, em đã cùng các sinh khác của trường lên đường chống dịch. Em đã đi chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Đó là những chuỗi ngày xa gia đình, đối mặt với những khó khăn, vất vả, nguy hiểm của dịch bệnh. Nhưng sự giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp, gia đình và nhà trường đã giúp em có thêm sức mạnh, động lực để hoàn thành nhiệm vụ. "Các sinh viên cũng luôn động viên, giúp đỡ nhau, hứa không rời bỏ vị trí", em Ngọc nói.
Sinh viên Trần Thị Bích Ngọc cam kết sẽ luôn trau dồi, cố gắng hơn nữa để trở thành bác sĩ tốt, làm theo lời Bác Hồ dạy: Thanh niên không sợ khó, không sợ khổ, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, sẵn sàng cống hiến nhiệt huyết cho Tổ quốc và công tác phòng chống dịch nói riêng.