Đời người, đời muối
Có người ví muối là hạt ngọc của biển, nhưng để vị mặn mòi của biển kết tinh thành 'hạt ngọc' thì người làm muối phải chịu sự ngột ngạt, oi bức của những ngày hè mà kiếm kế sinh nhai. Trời càng nắng, dân nại càng vui.
Ruộng muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc).
Người làm muối dân gian thường gọi là dân nại hay diêm dân. Họ có một câu ca dao “tự thuật” đầy cảm thương như thế này: “Dân nại tui dại như trâu/ Trời chang chang nắng giơ đầu ra phơi!”, khiến hạt muối cũng có sắc và vị riêng: Màu trắng tinh khiết; vị mặn, ngọt hậu đặc trưng của muối phơi thủ công trên cát và cả vị “đắng”. Mặn là cái làm nên chất muối, trong câu “muối mặn gừng cay”; ngọt là ngọt ngào lắng đọng và kết tinh lao động của diêm dân gửi gắm vào hạt muối; còn đắng là muối của những vụ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Mấy hôm rồi, mới sáng ra đã nắng sớm. Cả một vựa muối, trải dài dọc ven biển trắng nhức mắt. Lấy chiếc mũ đã xỉn màu, ông Đào Văn Thăng, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), hòa vào những tốp người đi ra ruộng muối. Họ phải đi “cạy dạt” và chuẩn bị cho buổi làm chiều, có người phải cạy ba, bốn cái dạt đến hơn khối đất, xong rồi múc nước lên ô phơi, tưới xá... đến lúc mặt trời lên khỏi lũy tre đầu làng thì mới nghỉ. 74 tuổi, ông Thăng đã gắn đời mình với đời muối xấp xỉ hơn 60 năm. Bà Đỗ Thị Đắc, vợ ông, thua ông đúng một tuổi. Ở nơi khác vào tuổi này người ta thường đã gác hết công việc nặng nhọc, điền viên vui thú. Nhưng ở đây, vợ chồng ông Thăng cũng như nhiều diêm dân khác vẫn ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những cánh đồng muối...
Ông Vũ Văn Sáng kể về nghề muối Tam Hòa những năm trước kia.
Đến đầu giờ chiều, cánh đồng muối Tam Hòa nóng cháy rát như lửa lò phả ra. Mọi người lục tục kéo nhau ra đồng, tiếng xe cút kít râm ran, công cụ lềnh kềnh chất đầy xe, người cầm, người vác, nào bù múc, bù tưới, nào trang to, trang nhỏ, thêu xúc, thêu rải, nước uống... Từ xa, ánh nắng chiếu vào mặt sân ô muối bắt đầu kết tinh lấp lánh ánh bạc. Nắng càng gắt, hạt muối kết tinh càng nhiều. Cứ liên tiếp hết đống này đến đống khác, mặc cái nắng phả vào mặt từng đợt bỏng rát, diêm dân vẫn cần mẫn cào muối thành gò nhỏ để phơi khô.
Trên cánh đồng muối, gia đình nào cũng có một cái lều nhỏ để trú mưa, trú nắng. Ông Thăng tranh thủ nghỉ tay hút điếu thuốc lào. Dưới cái nắng nung người, mặt ông lão đen xạm, chiếc áo thun bạc phếch ướt đẫm mồ hôi. Lúc này, ông Vũ Văn Sáng, nguyên Đội trưởng HTX Tam Hòa, cũng đi ra thăm ruộng muối. Tôi theo chân ông, lân la chuyện trò, cứ thế những câu chuyện về diêm dân Hòa Lộc lướt qua như một thước phim.
Hạt muối Tam Hòa.
Nghề muối Tam Hòa có tự bao giờ, không ai biết, chỉ biết thế hệ của các ông sinh ra, vị mặn mòi của muối, của biển như lẫn trong từng giọt sữa mẹ. Các thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước không ngừng tận dụng và cải tạo những cánh đồng cát bằng phẳng ven biển để làm ra hạt muối, nuôi sống bao thế hệ người dân trên mảnh đất này. Theo lời ông Sáng, lên 10 tuổi ông đã vác dụng cụ theo cha ra đồng để cào muối. Sau đó, ông đi bộ đội. Năm 1978, ông trở về và gắn bó với hạt muối cho đến nay. Nghề muối giúp vợ chồng ông nuôi lớn 4 đứa con thành đạt, nên người. Ông cho rằng, việc làm muối hiện nay đã đỡ khổ hơn nhiều so với những năm trước đây. Bởi vì trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để xây dựng đê bao đồng muối, nên sau mỗi mùa mưa bão diêm dân không phải nai lưng ra đắp bất kể ngày đêm như trước kia. Ngày đó, từ tháng giêng, mọi người đã phải ra bờ biển lấy hàng tạ, đến hàng tấn sò nhỏ (gọi là xịn) về chuẩn bị làm sân ô. Đến tháng 3 thì vừa làm ô vừa đào mương, mỗi nhà phải đào hàng chục mét mương. Sau khi cày để làm mặt xá nại (sân phơi đất) bằng phẳng thì các cụ phải dùng trâu kéo bừa, loại bừa có răng ngắn, để xới đất lên rồi cho nước mặn vào phơi ba, bốn ngày; tháo nước ra phơi nắng một ngày cho xốp đất; sau đó dùng trâu bừa lại, đảo cho đất đều và tơi; rồi một người thật khỏe dùng bừa quàng dây qua vai nhoài mình mà kéo cho đất tơi lên; cuối cùng, mới trang lại, xúc đất ấy lọc lấy nước nguyên liệu, gọi là nước hắt, mà phơi thành muối. Quy trình này có thể dùng đất được khoảng 4 ngày rồi mới làm đợt tiếp theo. Nhưng để từ “đất” đến “muối” thì còn bao nhiêu công việc với bao gian truân, mệt mỏi.
Một ngày trần lưng làm việc trên gần 1.000 m2 ruộng muối, thu nhập trung bình được trên dưới 1 tạ muối. Với giá muối hiện nay, khoảng trên 3.000 đồng/kg, công sức lao động chỉ đổi lại được khoảng 300.000 đồng cho 2 - 3 nhân công. Đó là những ngày nắng ráo. Còn những ngày mưa gió, diêm dân đành phải nghỉ ở nhà. Vì vậy, ngay cả trong những tháng mùa hè, thu nhập của người làm muối cũng rất bấp bênh nếu thời tiết mưa nắng thất thường.
Người dân thôn Tam Hòa chuẩn bị dụng cụ để làm muối.
Có lẽ vì sự vất vả ấy mà cả 4 người con của ông Sáng hay 4 người con của ông Thăng đều không theo nghề truyền thống của gia đình. Họ bươn chải đi xa làm thuê làm mướn, hoặc tìm nghề khác trên chính quê hương mình. Hiện tại, số người còn lại trên đồng muối Tam Hòa đều là những người đã quá độ tuổi lao động. Họ cũng như ông Thăng, ông Sáng vẫn trăn trở với những hạt muối trên đồng, một phần bởi không làm muối nữa họ chẳng biết làm gì, phần khác bởi nghề này đã ăn vào máu thịt, nếu bỏ đi thì nhớ. Ông chỉ mong muốn là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá, đầu tư trang thiết bị chế biến muối thành phẩm... để cải thiện cuộc sống cho những người diêm dân như ông. “Cũng sợ một ngày nghề muối sẽ biến mất, nhưng bản thân mình cũng lực bất tòng tâm. Nhiều bữa, bố con ngồi chè nước, chúng nó khoe đi làm khu công nghiệp mưa không đến mặt, nắng không đến đầu lương tháng cũng gần chục triệu, bằng cả năm làm cật lực trên đồng muối. Vậy thì hà cớ gì cứ phải bám lấy cái nghề khốn khổ này. Ngẫm chúng nó nói đúng, chả dám khuyên nữa, mỗi người một số phận”, giọng ông Sáng như chùng lại.
Những câu chuyện vụn vặt về hạt muối còn nhiều, kể ra bao giờ mới hết. Sinh ra trên đất muối, không bao giờ quên được mùi tanh nồng của cá tôm và vị mặn của biển, của muối. Nên dù khó khăn bủa vây, nghề muối Tam Hòa vẫn không dễ mất. Suy nghĩ này lại càng được củng cố sau khi tôi trò chuyện với anh Lê Văn Kiên, 34 tuổi, Phó Giám đốc HTX Tam Hòa. Anh Kiên từng theo học chuyên ngành Tự động hóa tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ra trường, anh có 2 năm làm việc trong ngành thủy điện tại huyện miền núi Quan Hóa. Sau cùng, anh quyết định trở về Hòa Lộc. Với tình yêu với biển, với muối, bằng kiến thức bài bản được học tại giảng đường đại học, cộng thêm nhiệt huyết của tuổi trẻ với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, anh Kiên đang lên kế hoạch đầu tư cho khâu sản xuất hạt muối thành phẩm, ứng dụng mạng xã hội trong giải quyết đầu ra cho hạt muối. Và để làm được những điều này, anh cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ các cấp, bản thân những diêm dân và những trái tim trẻ đầy nhiệt huyết với nghề truyền thống của ông cha.
Cuối buổi chiều, giữa những cơn gió cuồn cuộn mặn mòi của xứ biển, cánh đồng muối Tam Hòa chuyển sang màu trắng bạc. Người ta xúc muối trên các mặt sân phơi đem về, xe nhà nào nhà nấy muối đầy ăm ắp xuôi đường vào làng. Tiếng cút kít của những chuyến xe nặng hàng, những cánh tay cuồn cuộn căng lên, ai nấy đều chăm chú và cẩn trọng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/doi-nguoi-doi-muoi/195793.htm