Đời người trong thời khắc đặc biệt của đất nước

Những ngày qua, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Gia Lai tất bật chuẩn bị cho ấn phẩm đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Với người viết, thời khắc đặc biệt này của đất nước có ý nghĩa rất sâu sắc.

Ấn phẩm đặc biệt trong thời khắc đặc biệt

Để chủ động, từ hơn 2 tháng trước, lãnh đạo Báo Gia Lai đã ban hành kế hoạch thực hiện ấn phẩm đặc biệt. Nói đặc biệt vì đây là ấn phẩm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ấn phẩm đặc biệt vì tính chất, nội dung quan trọng, không chỉ vì ôn lại ngày kỷ niệm lớn của đất nước mà còn là dịp để tổng kết nửa thế kỷ đất nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng phấn đấu vươn lên, giành những thành tựu to lớn, toàn diện; chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

 Báo Gia Lai thực hiện chương trình livestream trên nền tảng mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhạy, kịp thời cho độc giả. Ảnh: P.V

Báo Gia Lai thực hiện chương trình livestream trên nền tảng mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhạy, kịp thời cho độc giả. Ảnh: P.V

Tôi nói với anh em phóng viên trong phòng đây là sự kiện 50 năm mới có một lần, mọi người cố gắng tham gia. Đây còn là ấn phẩm có ý nghĩa lịch sử khi sau đó tờ báo Đảng địa phương thực hiện chủ trương sáp nhập với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, rồi tiếp tục sáp nhập với báo-đài của tỉnh Bình Định theo kế hoạch, lộ trình từ chỉ đạo của Trung ương.

Anh chị em phóng viên bám sát tình hình, ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công theo dõi, thực tế khám phá, phát hiện, lựa chọn đề tài và hiện thực thành tác phẩm báo chí. Nhiều đề tài hay, bám sát hơi thở cuộc sống, sự kiện quan trọng cùng cách thể hiện sáng tạo, mới mẻ.

Về phần mình, tôi cũng đặt ra yêu cầu phải viết một cái gì đó trong số báo này. Tôi còn có một số lý do riêng để phải có bài cùng với anh chị em phóng viên.

Một thời gió bụi

Là thế hệ 6X ít nhiều nếm trải “gió bụi” cuộc đời như cách nói của nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có nhiều suy ngẫm và cảm nhận.

Quê tôi ở vùng bán sơn địa duyên hải Nam Trung Bộ. Sau năm 1954, quê tôi gần như nhà nào cũng có người đi tập kết, sau quay về hoạt động hay thoát ly theo cách mạng. Riêng tư một chút, ông nội tôi dắt 2 cháu là con của 2 người anh ruột và 2 chú tôi lên tàu tại đầm Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định) để tập kết ra Bắc. Tôi không biết gì chuyện này. Chỉ sau ngày 30-4-1975, vào một ngày nọ, bỗng thấy có mấy ông “trọ trẹ” (cách người miền Nam nói về giọng người miền Bắc) tới nhà, rồi tất cả cùng ôm lấy nhau mà khóc, tủi tủi, mừng mừng. Đến lúc này, tôi mới biết nhà mình có ông, các chú, các bác đi làm cách mạng.

Trở lại với những năm tháng chiến tranh ác liệt. Kể từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, quê tôi thành nơi tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Nhiều gia đình quê tôi phải liên tục di chuyển để tránh bom đạn. Năm 1972, khi vừa sinh chưa đầy tháng, má đã phải bế em gái và chúng tôi gồng gánh chạy trong tiếng bom gầm đạn rú. Không chỉ ở quê, vùng đô thị nơi tạm lánh cũng vẫn lo sợ, bất an. Đêm trước của một sự kiện trọng đại, Nha Trang, Quy Nhơn là thời khắc xe cộ chạy loạn xạ, gầm rú, chở binh lính bị thương, xác lính trong hòm mạ kẽm sáng loáng hay trong túi ni lông căng phồng. Xe hồng thập tự ngang dọc, gấp gáp cứu trợ, cứu thương. Các nhà thương chật kín người băng bó, kêu khóc. Một không khí ngột ngạt, bức bí chỉ chực chờ bùng nổ.

Thời điểm giữa tháng 3-1975, nhà tôi đang ở Nha Trang. Khi đó, Buôn Ma Thuột đã giải phóng. Phong thanh có người ở quê di tản vào nên anh tôi cùng chú từ Đắk Lắk xuống Nha Trang lùng tìm hỗ trợ. May quá, trong cảnh hỗn loạn tháo chạy đó nhưng anh và chú vẫn tìm ra chúng tôi. Rồi cả đoàn dồn lên chiếc ô tô cà tàng ngược đèo Phượng Hoàng lên Đắk Lắk.

Theo quốc lộ 21 lúc đó, tôi biết như thế nào là ngày tàn chiến tranh. Tiếng súng đã im nhưng xe ô tô hàng đoàn kéo dài đến cả cây số bị đốt cháy loang lổ, một số xe tăng còn đang bốc khói. Cơ man xe máy, đồ đạc, quần áo, vật dụng, giày dép vương vãi. Do các cây cầu đều bị đánh sập nên ô tô phải tăng bo, đi vòng ra xa, nhiều lần mới lên được quốc lộ để đi tiếp. Đến tối thì tới Buôn Ma Thuột, ai nấy đều nhẹ cả người. Mọi người tiếp tục nghe ngóng tình hình và ai cũng nhẹ người khi ngày 30-4 Sài Gòn được giải phóng, chiến tranh kết thúc.

Một năm sau, gia đình tôi lại về quê cũ, vì như lời ba tôi: “Hòa bình rồi, về quê ăn muối cũng ngon”. Tôi lúc đó sung sướng ở chỗ hòa bình là không còn đánh nhau, không ca-nông, pháo kích, giấc ngủ mệt mỏi, chập chờn. Những năm sau đó, do sự bao vây cấm vận, ai cũng cực khổ, vất vả. 10 năm hợp tác hóa nông nghiệp (1976-1986) với cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, rồi cả nước huy động nguồn lực cho 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, là khoảng thời gian vô cùng vất vả, thiếu thốn.

May mắn là khó khổ trăm điều nhưng ba má tôi vẫn không để con thất học. Chúng tôi cũng chỉ có một con đường là phải học để báo đáp công ơn và tìm kiếm tương lai. Tôi đã sinh ra, lớn lên, biết chiến tranh, học tập và ra đời làm nghề trong tình hình và bối cảnh như thế.

Cho một khởi đầu mới

Sau mấy năm đất nước đổi mới, tôi có mặt tại Gia Lai. Nói thật, lúc đó cũng chỉ là cách đi tìm miếng cơm manh áo, rồi gắn bó đến bây giờ, khi chuẩn bị nghỉ hưu.

Hơn 30 năm làm nghề ở Gia Lai, dĩ nhiên nơi đây đã là quê hương thứ 2 của tôi. Từ những ngày chân ướt chân ráo chuyển nghề, vào nghề, song hành cùng với các chặng đường đi lên của cơ quan, của tỉnh, tôi hiểu như thế nào là tình cảm và sự gắn bó. Tận đáy lòng, tôi hàm ơn quê mới cho tôi công việc ổn định và phát triển. Cũng nơi đây, tôi có vợ, có con, đúng nghĩa một gia đình. Nơi đây, tôi có đồng nghiệp các lớp, các mối quan hệ và những cơ hội, không phải để nói về kinh tế.

Trước sự kiện lớn hiện tại, người ta hay nghĩ về quá khứ, kỷ niệm xa xôi. Trong tôi lúc này, ký ức hiện về với những đồng nghiệp một thời gắn bó, thiếu thốn nhưng tình cảm, sẻ chia. Không thể nào kể hết những gì tôi đã có với họ, với cơ quan. Mấy thế hệ rồi, người còn, người mất. Nhưng họ mãi một góc trong trái tim tôi.

Với cơ quan, tôi chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh, phát triển đáng mừng. Những người lãnh đạo biết dựa vào truyền thống, cầu tiến, nhanh nhạy năng động. Từ tờ báo Đảng địa phương chỉ phát hành vài trăm, vài ngàn tờ/kỳ/tuần, số trang ít, công nghệ lạc hậu, đến nay, sản phẩm đa dạng có báo ngày, cuối tuần, báo ảnh, chỉ số phát hành định kỳ hơn 10 ngàn tờ, nhiều trang, in ấn đẹp, tốt cả nội dung lẫn hình thức. Báo còn phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam biên dịch và phát hành ấn phẩm Báo ảnh dân tộc và miền núi với 3 ngữ (Kinh, Jrai, Bahnar).

 Mỗi nhà báo luôn ý thức sâu sắc sự cần thiết của một chủ trương lớn cho thành công trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: P.V

Mỗi nhà báo luôn ý thức sâu sắc sự cần thiết của một chủ trương lớn cho thành công trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: P.V

Các ấn phẩm đặc biệt chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn, ngày Tết đầu tư lớn hơn, quy mô cao hơn, chất lượng nội dung, hình thức thêm phong phú, hấp dẫn, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cán bộ, đảng viên, công chúng bạn đọc.

Bên cạnh loại hình truyền thống và chủ lực là báo in, báo điện tử với nhiều tính năng được Ban Biên tập nhanh nhạy lĩnh hội, tiếp cận và tích hợp triển khai thành công, liên tục đổi mới và sáng tạo theo xu hướng báo chí đa phương tiện, đa nền tảng.

Có lẽ không riêng người làm báo Gia Lai mà cả lãnh đạo, công chúng bạn đọc của Báo cũng phấn khởi khi công cụ kiểm đếm, đánh giá uy tín cho kết quả lượt truy cập của Gia Lai online thường xuyên duy trì ở top 7 trong 63 báo Đảng địa phương trên cả nước.

Từ cuối năm trước đến nay, cùng với cả nước, cả tỉnh, Báo Gia Lai tích cực thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy. Sau khi đề án sáp nhập báo-đài của Gia Lai hoàn tất, lại tiếp tục sáp nhập với báo-đài của tỉnh Bình Định, theo chủ trương sáp nhập 2 tỉnh. Công việc nhiều, phức tạp, gấp gáp, nhưng yêu cầu nghiêm túc, cẩn trọng, không có chỗ cho do dự, chần chừ.

Những người làm báo Gia Lai trong tình hình này, tất cả đều hành động đúng với tinh thần “thần tốc, thần tốc” như tất cả cho đại thắng mùa xuân 1975. Cũng với tinh thần của 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam vào tháng 6 tới. Vì thế mà anh chị em phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, họa sĩ … tất cả đều khẩn trương, tích cực, không hề có tâm lý, tâm tư ảnh hưởng từ chủ trương tinh gọn, sáp nhập. Hơn ai hết, mỗi nhà báo ý thức sâu sắc sự cần thiết của một chủ trương lớn cho thành công trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cũng như Gia Lai, Báo Gia Lai chuẩn bị một khởi đầu mới. Bản thân người viết cũng chuẩn bị cho một khởi đầu. Nay mai nghỉ hưu, song người viết không cho mình tâm lý xả hơi, nghỉ ngơi. Ở vào thời khắc quan trọng này, mỗi người đều tự nhận thấy phải có trách nhiệm nhất định. Học hỏi, dấn thân, chăm chỉ làm việc, mở rộng các mối quan hệ và hình thành cho được kỹ năng làm nghề. Điều tôi muốn nói và chưa thôi dặn với lòng.

THẤT SƠN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/doi-nguoi-trong-thoi-khac-dac-biet-cua-dat-nuoc-post320955.html