Đòi nợ trái luật có thể vướng vòng lao lý
Luật sư cho biết, ranh giới giữa thu hồi nợ hợp pháp và không hợp pháp là rất mong manh. Chỉ cần một hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Đòi nợ kiểu "giang hồ"
Công an Quận 8, TP Hồ Chí Minh đang điều tra, làm rõ vụ người đàn ông bị nhóm người đánh đập khi đang ăn cơm xảy ra trên địa bàn.Trước đó, tối ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết), ông Đ.T. B (41 tuổi) đang ngồi ăn cơm cùng với vợ là bà B.T.N.H tại một căn nhà trong hẻm trên đường Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8 thì một số người xông vào nói về việc nợ tiền. Nhóm đối tượng này có khoảng 5 người xông vào nhà đấm đá túi bụi. Vụ đánh đập kéo dài hơn 1 phút và được camera an ninh ghi lại.
Bà H cho biết, vụ hành hung xuất phát từ việc chồng bà nợ các đối tượng trên số tiền hơn 100 triệu đồng và mới trả được một ít. Cũng theo bà H, việc nợ nần thì chồng bà sai và tự chịu trách nhiệm chi trả. Nhưng bà H không đồng ý với hành động những đối tượng lạ mặt xông vào nhà người khác, đánh người, gây mất an ninh trật tự, khiến bà và hai con gái hoảng sợ.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bà H đã trình báo CA và cơ quan chức năng đã xuống hiện trường trích xuất camera, lấy lời khai những người liên quan để làm rõ. Sau khi xác lập hồ sơ ban đầu, CA phường 3 đã chuyển hồ sơ vụ việc lên CA quận 8 để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, chiều này 7/2, anh V.Đ.H (SN 1974) đang ở nhà tại số 2/494 Hoàng Thiết Tâm, phố An Tràng, thị trấn Tràng Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng thì bất ngờ xuất hiện nhóm đối tượng khoảng 5-6 người cùng ở địa phương vào nhà chửi thề, đe đọa, đòi nợ dẫn đến xô xát. Anh H bị các đối tượng dùng ghế gỗ, gậy, cốc thủy tinh đánh liên tiếp vào đầu, mặt, bụng… khiến người này ngã gục, chảy nhiều máu vùng đầu. Trước khi rời đi, các đối tượng còn phá hủy nhiều đồ vật có giá trị trong nhà, lấy đi hơn 2 triệu đồng trong túi quần gia chủ.
Sau đó anh H được vợ con, người thân đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cấp cứu. Các bác sỹ tại đây chẩn đoán, anh H bị chấn thương sọ não, phải khâu hàng chục mũi tại nhiều vết thương trên đầu. Ngoài ra, nhiều bộ phận khác thương tích, bầm dập.
Theo anh H, nguyên nhân dẫn đến sự việc do liên quan tới việc vay nợ lãi suất cao. Anh này chia sẻ, năm 2010 anh có vay của một người bạn ở cùng địa phương khoảng 100 triệu đồng, lãi suất 3.000đồng/1triệu/ngày. Đến năm 2011, anh H vài lần vay thêm bạn, mỗi lần vài chục triệu đồng.
Từ năm 2019 đến nay, nhà anh ở thường xuyên xuất hiện các nhóm đối tượng đến gây rối, ném sơn, mắm tôm, chất bẩn vào nhà khiến việc kinh doanh của gia đình bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhóm này thường xuyên chặn xe khi anh đi đón con ở trường học khiến tâm lý người thân, trẻ nhỏ luôn trong tình trạng hoang mang, sợ hãi. Đỉnh điểm, ngày 7/2, nhóm này đến nhà phá hủy đồ đạc, dùng nhiều đồ vật cứng đánh liên tiếp vào đầu, cướp hơn 2 triệu đồng trong túi quần anh H. Vụ việc đang được CA huyện An Lão điều tra làm rõ.
Những hậu quả khó lường
Luận bàn về vấn đề đòi nợ kiểu “xã hội đen” này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc xông vào nhà con nợ, đánh đập con nợ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Trước hết, căn cứ quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì hành vi xông vào nhà con nợ để đòi nợ có thể bị coi là hành vi “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. Người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm.
Hành vi đánh đập con nợ có thể bị xử lý với tội danh “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015. Theo đó, có thể không cần căn cứ vào mức độ thương tật của nạn nhân, người có hành vi phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân. Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 8.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, các nhóm đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn phải chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả là chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm kể trên.
Như vậy, có thể thấy, việc gây ra thương tích có thể không cần phụ thuộc vào mức độ thương tật của con nợ hoặc của người thân trong gia đình con nợ do chủ nợ hoặc người khác có hành vi gây ra thì cũng đã có thể bị xử lý hình sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, pháp luật hiện nay đã có các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người cho vay. Mọi hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc xúc phạm uy tín danh dự, nhân phẩm của người khác để đòi nợ, hoặc tự ý chiếm đoạt tài sản để cấn trừ nợ… đều bị coi là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý tùy mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra.
“Vì vậy, bên cho vay cần hết sức kiềm chế, lựa chọn các biện pháp hợp lý và hợp pháp để đòi nợ, tránh rơi vào tình huống bị xử lý đối với hành vi đòi nợ trái pháp luật. Khi có tranh chấp nếu không tự thỏa thuận được hoặc không chắc chắn về việc mình làm hãy tham khảo ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp lý để được tư vấn cụ thể, có các biện pháp thu hồi tài sản một cách hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, không thể vì bức xúc do con nợ không trả nợ mà thực hiện các cách thức pháp luật nghiêm cấm để đòi nợ”, luật sư Nguyễn Hồng Thái khuyến cáo.