Đòi nợ trong giao dịch dân sự: Đừng để 'mất cả chì lẫn chài'
Vụ sát hại dã man chủ nợ rồi đốt xác phi tang trong thùng phuy tại Hải Phòng xảy ra mới đây, khiến dư luận phẫn nộ có nguyên nhân từ việc xù nợ. Ngoài việc mất tiền bởi trao lòng tin nhầm đối tượng, người cho vay còn đứng trước nguy cơ bị kẻ mắc nợ ra tay tàn bạo để chối bỏ nghĩa vụ thanh toán.
Vay mượn tiền nong là sinh hoạt bình thường trong đời sống người dân. Nhưng việc thu nợ lại ẩn chứa đầy những bất trắc, mà chủ nợ không thể xem nhẹ. Vì thế cần thận trọng để tránh đưa đến hậu quả xấu.
Dễ vay khó đòi
Chúng tôi về xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng khi dư luận về vụ giết chủ nợ dã man rồi đốt xác phi tang còn chưa lắng xuống.
Theo lời kể của bà H., buổi chiều ngày 22/2, người dân xóm 1, thôn Tràng Duệ bỗng ngửi thấy mùi khét lẹt bốc lên ở đâu đó, liền cùng nhau đi tìm hiểu và phát hiện có cháy ở khu vườn sau nhà ông Phạm Văn Trường.
Đến kiểm tra, mọi người chợt tá hỏa tam tinh khi thấy bên trong chiếc thùng phi là xác của một nam giới đang bị đốt cháy dở, trên thi thể có nhiều vết chém chí mạng. Thông tin được cấp báo lên Công an huyện An Dương và Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hải Phòng. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1995, trú tại thôn Kiều Hạ 1, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng).
Kẻ thủ ác nhanh chóng được xác định là Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1996) nhưng y đã vắng mặt tại địa phương. Khẩn trương truy xét theo dấu vết nóng, đến rạng sáng hôm sau (23/2), Công an TP Hải Phòng với sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã bắt giữ được Tuấn khi y đang trong hành trình trốn lên tỉnh này. Thủ phạm được di lý về Hải Phòng để điều tra. Từ đây diễn biến vụ án được làm sáng tỏ như sau:
Tuấn có nợ anh Lâm (làm nghề cầm đồ) số tiền 6 triệu đồng và 800 nghìn đồng tiền lãi. Khoảng 12h30 ngày 22/2, anh Lâm đi xe máy đến nhà Tuấn để đòi nợ khi y đang ở nhà một mình. Vì Tuấn chưa có tiền trả nên anh Lâm nặng lời mắng mỏ. Bực tức vì bị chửi bới và để "xù nợ", Tuấn đã xuống bếp lấy một con dao rựa bằng thép chém anh Lâm khiến anh tử vong.
Tuấn lạnh lùng tháo từ tay anh Lâm 1 chiếc nhẫn vàng và lấy trong ví cầm tay của nạn nhân 6 chiếc điện thoại di động và số tiền 930 nghìn đồng.
Tiếp theo, Tuấn bê xác nạn nhân cho vào thùng phuy kéo ra sau vườn, rồi lấy giẻ cho vào thùng và châm lửa đốt. Khoảng 16h30 cùng ngày, Tuấn đến cửa hàng điện thoại ở xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, bán chiếc điện thoại di động của anh Lâm được 4 triệu đồng rồi ra Quốc lộ 10 bắt xe khách bỏ trốn lên Sơn La.
Cách đây chưa lâu, vụ cặp vợ chồng Nguyễn Hùng Dũng, Lê Thị Phương Oanh "bùng" nợ bằng cách đoạt mạng người cho vay tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng trở thành một ví dụ điển hình về hiểm họa trên hành trình đòi nợ.
Kết quả điều tra xác định: Oanh vay số tiền 170 triệu đồng của bà Văn Thị Thanh Nga (45 tuổi, ngụ phường An Hải Tây). Không muốn trả nợ, Dũng đã bàn với Oanh lên kế hoạch giết bà Nga để "xù" món nợ này.
Sáng ngày 20/6/2018, Oanh nhắn tin bảo bà Nga đến phòng 612 khu chung cư C2 (quận Sơn Trà) của hai vợ chồng để nhận tiền nợ, mục đích để dụ nạn nhân vào bẫy. Trong lúc ngồi nói chuyện với Oanh ở phòng ngủ, bà Nga bị Dũng dùng dây dù siết cổ từ phía sau.
Khi thấy bà Nga tử vong, chúng dùng dây thép trói tay chân, dùng bao ni-lon đen trùm kín phần trên của nạn nhân rồi bỏ vào thùng xốp, còn Oanh ra phòng khách lục túi xách nạn nhân lấy 5,6 triệu đồng, 3 điện thoại. Sau đó, chúng lấy xe nạn nhân đem đi gửi chỗ khác.
Khoảng 1 giờ sáng 21/6, Oanh cùng Dũng mang thi thể bà Nga ra cầu Mân Quang ném xuống phi tang. Tại phiên tòa lưu động sáng 29/9, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt tên Dũng mức án tử hình, Oanh án chung thân về 2 tội danh "giết người - cướp tài sản".
Tại các tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Bình Dương… thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ khách nợ sát hại chủ nợ tàn bạo, gây rúng động dư luận xã hội.
Giải mã nguyên nhân
Nhận xét về hiện tượng nguy hiểm này, Trung tá Nguyễn Văn Sơn (Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội) nói, việc vay mượn tài sản trong nội bộ nhân dân là sinh hoạt bình thường, vì ai cũng có lúc khó khăn hoặc cần có khoản tài chính để chi tiêu, giải quyết công việc. Tuy nhiên, đây lại là nguồn cơn dẫn đến những sự việc phức tạp về an ninh trật tự. Từ chuyện vay mượn nợ nần dây dưa mà tại nhiều địa phương trong những năm gần đây đã xảy ra các vụ án con nợ giết chủ nợ rất man rợ, vô nhân tính, gây hoang mang dư luận.
Từ thực tiễn công tác, Trung tá Nguyễn Văn Sơn cho rằng có hai lý do chính dẫn đến việc người đi vay "xuống tay" tàn bạo với chủ nợ. Thứ nhất có thể là do những bức xúc tâm lý nhất thời của các bên phát sinh trong lúc đòi nợ. Khi người đi vay liên tục phá vỡ các cam kết, có biểu hiện chây ì không muốn trả các khoản nợ đến hạn, sẽ khiến người cho vay lo lắng, stress, bỏ công mất sức đi đòi… Những điều này chắc chắn đã tạo ra trong tâm lý chủ nợ những ức chế khó giải tỏa.
Ngược lại, người bị đòi nợ cũng rất căng thẳng, ức chế, dù rằng biết rõ mình có nghĩa vụ phải trả nợ. Câu xưa "vay trước, trả sau, đau hơn hoạn" là ý đó. Mang trạng thái tâm lý này đến gặp nhau, chỉ cần người vay vẫn không trả nợ, hoặc có những câu nói, hành động khiêu khích, thách thức, hoặc chủ nợ chửi bới, xúc phạm người vay… sẽ khiến sự bức xúc gia tăng từ cả hai phía.
Lúc này sự việc rất dễ phát triển ra ngoài tầm kiểm soát vì trong cơn giận dữ khiến cho khả năng kiểm soát, điều chỉnh hành vi xuống đến mức thấp nhất. Từ cãi vã đến xung đột bạo lực tại chỗ có khoảng cách rất ngắn. Nắm đấm dễ được chọn là cách giải tỏa những bức xúc tâm lý đã dồn nén trước đó và án mạng có thể xảy ra tại thời điểm này. Thứ hai, một số con nợ đứng trước áp lực bị đòi nợ chọn cách hại người cho vay để chối bỏ nghĩa vụ thanh toán.
Hành vi nguy hiểm này có dự mưu, tính toán cẩn thận trước khi tiến hành. Thường thì đối tượng sẽ điều nạn nhân đến đúng vị trí, địa điểm đã bố trí để ra tay, mà cách dễ nhất là hẹn đến lấy tiền. Giết chủ nợ trong tình huống này là phạm tội với động cơ đê hèn, với mức hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình. Bởi vì động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội ra tay là sự bội phản lòng tin, lật lọng, vi phạm cam kết ở mức độ nguy hiểm nhất.
"Chúng ta thường nói nhiều đến nguy cơ người vay bị chủ nợ gây áp lực, dùng vũ lực để đòi nợ, mà ít xem xét đến khía cạnh chủ nợ có thể trở thành nạn nhân do các tình huống phát sinh khi thu nợ. Trên thực tế, khi đã rắp tâm lật lọng để chiếm đoạt số tiền đã vay, để chối bỏ trách nhiệm trả nợ, con nợ có thể đi đến quyết định sát hại chủ nợ. Lường trước những nguy cơ này có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với người đi đòi nợ. Trong đó các kỹ năng nhận định tình huống, kiểm soát hành vi, biết cách sử dụng các công cụ hợp pháp để đòi nợ… rất quan trọng để ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra vượt ngoài mọi dự liệu" - Trung tá Sơn nhấn mạnh.
Kỹ năng "bỏ túi"
Bàn luận về các giải pháp phòng ngừa các vụ trọng án đến từ việc vay nợ trong nội bộ nhân dân, Thượng tá Nguyễn Chí Dân - (Công an tỉnh Yên Bái) đề cao vai trò của việc phòng ngừa chủ động từ khía cạnh nạn nhân.
Theo ông, để tránh phải đối mặt với những khoản nợ xấu hình thành trong tương lai, trước tiên người cho vay phải biết "trông giỏ bỏ thóc". Nghĩa là phải tìm hiểu xem người hỏi vay tiền mình có đáng tin cậy không, tính tình thế nào, dự định dùng tiền vay vào việc gì, có chính đáng không, tiềm lực kinh tế, công việc nghề nghiệp ra sao, tài sản có đủ bảo đảm cho khoản vay không.
Không nên cho những người vay tiền để đánh bạc, cá độ bóng đá, hay sử dụng vào mục đích không chính đáng khác, dù có chịu lãi suất cao đến mấy, bởi đã có rất nhiều người vì tham lãi suất cao mà "thả gà ra đuổi". Trên thực tế, những mâu thuẫn, xung đột phát sinh chủ yếu bởi việc cho vay không tính toán. Còn khi đã quyết cho vay, thì phải làm giấy tờ cẩn thận và nên có tài sản hay giấy tờ bảo đảm. Lưu ý vay mượn số tiền lớn phải làm thủ tục công chứng theo quy định.
Khi người vay khất lần không trả nợ đến hạn, nghĩa là nợ xấu phát sinh, thì bên cho vay phải tìm hiểu qua nhiều kênh khác nhau xem nguyên nhân là gì. Việc chậm trả là do khó khăn khách quan, hay là chây ì, muốn quỵt nợ, người vay còn tài sản hay không, ở đâu.
Ngoài ra tìm hiểu công việc người đó đang làm, các mối quan hệ, địa chỉ nhà, nơi làm việc… Sau khi đã có thông tin cần thiết, cần cân nhắc quan hệ giữa mình và đặc điểm của khách nợ để lựa chọn cách đòi cho phù hợp. Có thể nhắc nhở khi gặp mặt hoặc nhắn tin, gọi điện để giục nợ, nói các vấn đề của mình để người vay thấy trách nhiệm phải trả nợ. Nếu người vay thực sự khó khăn, đừng dồn người ta đến đường cùng. Có thể chia nhỏ khoản vay, cho họ lộ trình trả nợ.
Nếu người vay chây ì, bộc lộ ý định xù nợ, thì vấn đề trở nên phức tạp. Lúc này cần tỉnh táo để lựa chọn cách đòi phù hợp. Xét thấy người vay vẫn còn khả năng thanh toán, thì hành vi có dấu hiệu của tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", người cho vay có thể làm đơn trình báo đến cơ quan Công an, kèm theo các chứng từ chứng minh việc vay mượn, thông tin về khối tài sản hiện có của người vay.
Bên cạnh đó, người cho vay có thể vận dụng các mối quan hệ gia đình, bạn bè của người vay để tác động, khuyên giải họ tự giác trả tiền. Ngoài ra, chủ nợ có thể sử dụng công cụ đòi nợ hợp pháp là khởi kiện dân sự ra tòa án. Việc này có thể mất nhiều thời gian, nhưng đảm bảo cho việc đòi nợ an toàn, hợp pháp.
Hiện nay tại Việt Nam, việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007, theo đó một số doanh nghiệp có đủ điều kiện được phép thực hiện các hợp đồng dịch vụ đòi nợ.
Nếu chủ nợ sử dụng đến dịch vụ này, cần phải xem xét rất kỹ hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuyệt đối không nên bắt người, thu giữ phương tiện đồ dùng hay thuê lưu manh giang hồ đòi nợ, rất dễ đẩy chủ nợ vào tình trạng "đang đúng thành sai".
"Để tránh xung đột hay cạm bẫy khi đi thu nợ, chủ nợ không nên đi một mình. Xét tình huống phức tạp, trước khi xuống nhà khách nợ, nên báo cáo chính quyền sở tại và nhờ hỗ trợ. Trong khi tiếp xúc, cần kiềm chế, bình tĩnh, nhất là không nên xúc phạm người vay, có thái độ đẩy họ vào đường cùng. Luôn chủ động không để sự việc vượt ra ngoài mục đích đòi nợ" - Thượng tá Dân tư vấn.