Đời nước mắt của chú hề gà trống nuôi con
Trần Hoàng Đại Quốc Thuận là một chú hề bán bong bóng nghệ thuật nổi tiếng ở miền Tây. Anh có một cuộc sống gà trống nuôi con đầy cảm động.
Nghệ sĩ đường phố thổi bóng bằng mũi
Một buổi chiều nắng mới vừa tắt ở TP Long Xuyên (An Giang), người ta thấy một chú hề tay xách nách mang dụng cụ hành nghề bán bóng tạo hình nghệ thuật. Anh nhanh nhảu bày ra các vật dụng, rồi bắt đầu tạo hình những quả bóng.
Dù từ xóm chợ hiu hắt nghèo nàn ở huyện Chợ Mới (An Giang), hay những nơi đông đúc và sầm uất hơn ở Long Xuyên, Quốc Thuận cũng khiến người đối diện ngạc nhiên, trầm trồ với kỹ năng tạo hình bóng nghệ thuật của mình.
Điều thú vị là anh tạo hình bong bóng chủ yếu bằng đôi tay mà rất ít khi quan sát bằng mắt. Lý do một là đã làm quen tay nên không cần nhìn, hai là mắt bận quan sát những điều xung quanh, để ý những vị khách xem họ có quan tâm sản phẩm của anh hay không...
"Đó là những yếu tố không dễ rèn luyện", anh Thuận kể mình đã phải học và luyện tập rất nhiều, rất lâu. Ngoài biểu diễn kỹ năng tạo hình bóng, việc diễn thổi bóng bằng mũi cũng là điều đặc biệt khiến nhiều người nhớ về anh.
Không ồn ào vội vã, anh Thuận cứ rong ruổi khắp các nẻo đường, làm bạn với trẻ em, với quán cóc, với chiếc xe máy cà tàng và với cả những cơn mưa nặng hạt. Anh vừa làm bóng, vừa nhìn trời, nhìn mây và rất hay bông đùa với mọi người.
Chất "nghệ sĩ" của anh hề Quốc Thuận còn thể hiện rõ qua việc làm nghề đặt nặng tính cống hiến và phục vụ. Có lúc, hàng chục cháu bé quây quanh anh chỉ để xem làm bóng mà chẳng đứa nào mua. Chẳng màng điều đó, anh Thuận vui đùa, trò chuyện và biểu diễn kỹ năng tạo hình bóng, kỹ năng vẽ, thổi bóng bằng mũi... khiến đám đông trẻ con cứ trố mắt nhìn.
Chạy đua với cơn nắng, tránh trú những cơn mưa, công việc của anh Thuận cứ diễn ra hàng ngày. Những lúc khách đông, anh làm việc liên hồi mà ít thấy mệt mỏi. Tình yêu mãnh liệt với công việc biến anh thành “siêu nhân” khi đứng dưới nắng hơn 8 giờ mỗi ngày để làm việc.
"Thiên thần" của trẻ thơ
“Chú Thuận tới kìa!”. Chẳng biết ai nói, chỉ thấy là ngay sau đó, một nhóm học sinh trường mầm non Bình Minh đã vây kín lối, khi anh Thuận đang loay hoay tìm chỗ để chiếc xe máy của mình. Đây là một trong số những điểm trường ở Long Xuyên anh Thuận thường lui tới bán bong bóng và được bọn trẻ yêu mến.
Những chú ếch xanh, khỉ con, chiếc xe đạp, bông hoa, cây súng... nhanh nhảu được anh trao tay các em trong niềm phấn khích. Nhiều đứa nhảy cẫng lên khi nhận bóng từ anh Thuận, cũng không ít đứa trầm tính hơn thì ngắm bóng chằm chằm một lúc lâu, rồi cười mỉm chào chú Thuận ra về cùng phụ huynh.
Nói anh là "thiên thần" của các em nhỏ có thể hơi quá đà, nhưng anh thật biết cách mang đến niềm vui cho các em.
Nhiều người ở khu phố đi bộ Long Xuyên nhìn nhận anh Thuận là một trong số ít nhân tố thu hút khiến khu vực này trở nên nhộn nhịp hơn hẳn lúc đêm về. Các gia đình dẫn con nhỏ đến đây đi dạo, rồi vây quanh quầy bong bóng. Có người nhìn anh trầm trồ với tay nghề, có người ẵm con đến tận tay chọn lựa những con vật ngộ nghĩnh.
Nước mắt chú hề
Có nhiều người quen mặt Thuận tình cờ lướt qua, ngoái lại nhìn anh với nụ cười và để lại một câu nói bông đùa: “Anh nghệ sĩ gì ơi, tự làm một cô gái xinh đẹp đi nào”. Anh Thuận cười trừ bẽn lẽn không nói gì rồi chợt trầm lặng trong giây lát, mắt nhìn xa xăm.
“Mua bóng cho con!”. Một em nhỏ đi cùng mẹ trên chiếc xe máy hét lớn đã đưa anh Thuận trở về với công việc của mình. “Nay làm gì đó? Hôm trước mới mua siêu nhân mà?”, anh Thuận hỏi. Cháu nhỏ lanh lợi đáp: “Con mới làm hỏng. Nay con thích siêu nhân”. Chiều lòng khách, bàn tay anh Thuận làm thoăn thoắt như ảo thuật. Trên vai anh đã thấm ướt mưa và phủ thêm ánh đèn đường vừa chớm lên.
Từ Long Xuyên về tới nhà anh Thuận (gần chùa Tây An, xã Long Giang) cũng chừng 30 km.
Anh kể từ khi chia tay vợ, cơm ngon trong nhà do mẹ anh đảm nhiệm hết. Thuận và bà xã từng có một tình yêu và gia đình thật đẹp. Tuổi đôi mươi ngày đó, anh cứ nghĩ tình yêu là vạn năng, sẽ là sợi dây gắn kết hạnh phúc, gắn kết gia đình anh mãi mãi. Nhưng có ngờ đâu, mọi việc đã không như anh tưởng tượng. Ngày vợ và anh chia tay, cô con gái 5 tuổi vẫn bé bỏng.
Đó là năm 2015, khoảng thời gian đầy biến động trong cuộc sống gia đình. Chưa làm bong bóng, lúc đó cuộc sống gia đình quá khó khăn. Anh làm thợ hồ, làm thuê mọi việc để lo cho gia đình.
Người mẹ yêu thương ngày trước nay thường tìm về với cháu Yến (con anh Thuận, 9 tuổi) trong những giấc mơ buồn nhớ. Anh Thuận kể những đêm nằm bên con, nghe con nằm mơ í ới gọi mẹ mà anh không kìm được lòng mình.
“Có bao giờ chị lại về với cha con anh không?”, tôi khẽ hỏi. Anh nói: “Không đâu. Cô ấy đã có gia đình mới và cũng đã có em bé. Duyên nợ đã hết kể từ lúc chia tay rồi”. Nói xong anh lại khóc.
"Cuộc sống của anh giờ cũng ổn. Anh làm bong bóng có thu nhập. Căn nhà ở cũng đã khang trang không còn dột nát. Con gái đi học lại có ông bà nội ở cùng quây quần", anh Thuận lấy tay lau nước mắt gật gật tâm sự. Trong ánh mắt đỏ hoe của người đàn ông dạn dày này chợt lóe lên niềm an ủi.
Đúng là bây giờ, anh Thuận đã dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Gia đình thiếu bóng người phụ nữ của anh được bù đắp bằng tiếng cười và những câu chuyện vui mà anh kể. Cháu Yến ngoan ngoãn và rất yêu thương cha. Lúc bán bóng trở về, 2 cha con anh như hình với bóng không phút xa rời. Anh làm gì bé cũng theo phụ giúp, hoặc hỏi chuyện này, chuyện nọ. Rồi 2 cha con trêu trọc nhau, tiếng cười cứ vọng vang trong ngôi nhà họ.
Chập tối, anh Thuận, cháu Yến và bà nội ăn bữa cơm đạm bạc. Ai cũng ăn thật ngon lành, thỉnh thoảng anh Thuận gắp thức ăn cho con gái, cho mẹ mình. Trong họ vẫn ẩn hiện những niềm hạnh phúc.
Cơm nước xong, anh Thuận làm sẵn một số mẫu bong bóng, chuẩn bị cho chuyến đi vào buổi sớm mai. Bé Yến đến nhìn cha làm, rồi cùng tập tành làm theo. Yến nói rằng khi lớn lên, em sẽ theo cha đi khắp nơi để làm nghề này, phụ giúp để cha không còn buồn.
Tôi chợt hỏi vui cháu Yến: “Thế con có muốn có mẹ kế hay không, để thương con và bầu bạn với cha Thuận?”. Con bé chợt thôi cười, lắc đầu, lè lưỡi, nói chỉ muốn ở mãi cùng cha mình.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/doi-nuoc-mat-cua-chu-he-ga-trong-nuoi-con-post1004733.html