Đối phó với dịch Covid-19: EU đề cao hợp tác và siết chặt kiểm soát
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại châu Âu đang diễn biến phức tạp, các bộ trưởng y tế Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp khẩn tại thủ đô Brussels (Bỉ) để thảo luận việc tăng cường phối hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh.
Italia đã phong tỏa vùng Lombardy để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Theo thông báo sau cuộc họp, các bộ trưởng nhất trí nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về mối nguy hiểm từ Covid-19, cũng như phát triển cách tiếp cận chung để ngăn ngừa và bảo vệ người dân trước nguy cơ. Bộ trưởng Y tế Croatia Vili Beros cho biết, những thảo luận cho thấy các quốc gia EU đã sẵn sàng thay đổi cách phản ứng, tăng cường hợp tác và triển khai những biện pháp phù hợp, tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị.
Theo số liệu cập nhật của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), hiện châu Âu có gần 7.600 ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 300 trường hợp tử vong. “Ổ dịch” lớn nhất tại Lục địa già là Italia với 5.883 ca nhiễm và 233 ca tử vong. Tiếp đến là Đức với 800 ca nhiễm (không có ca tử vong); Pháp với 949 ca nhiễm và 9 người tử vong. Các quốc gia châu Âu khác có số ca nhiễm Covid-19 cao là Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh…
Trước thực tế dịch Covid-19 đang lan rộng, tại Italia, nơi được coi là tâm dịch của châu Âu, ngày 8-3, Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký lệnh phong tỏa vùng Lombardy, khu vực đông dân và giàu có nhất của đất nước này, cũng như 11 tỉnh ở vùng Emilia-Romagna, Veneto, Piedmont và Marche trừ trường hợp khẩn cấp. Biện pháp mới này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 16 triệu người, tương đương 25% dân số Italia và sẽ có hiệu lực ít nhất đến ngày 3-4. Nhà chức trách sẽ phạt bất cứ ai bị bắt khi cố gắng đi vào hoặc đi ra khỏi những khu vực bị phong tỏa...
Tại Czech, Chính phủ nước này đã áp dụng biện pháp khẩn cấp cách ly 14 ngày bắt buộc đối với công dân Czech cũng như người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Czech trở về từ Italia. Những người vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu korun (tương đương 3 tỷ đồng). Czech cũng tăng cường kiểm soát khách du lịch nước ngoài, khách sạn và các cơ sở lưu trú có du khách nước ngoài, đồng thời kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, tránh tâm lý hoang mang nhưng cũng không được phép chủ quan.
Những biện pháp nghiêm ngặt như vậy cũng nhận được sự đồng tình của người dân. Kết quả cuộc thăm dò dư luận quốc tế do Công ty Ipsos tiến hành đối với 10.000 người trưởng thành tại 10 quốc gia, trong đó có Australia, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản... vừa công bố cho thấy 70% số người được hỏi ủng hộ biện pháp phong tỏa các thị trấn hoặc thành phố xuất hiện dịch Covid-19 để ngăn đà lây lan của dịch bệnh chết người này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định việc áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt có thể giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự phát tán của vi rút SARS-CoV-2. Theo WHO, Trung Quốc và nhiều nước khác đang chứng minh rằng có thể hạn chế sự lan rộng của dịch Covid-19 bằng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ như huy động toàn xã hội tìm kiếm những người nghi nhiễm bệnh và đưa họ đi chữa trị, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, đào tạo nguồn nhân lực ứng phó kịp thời trong trường hợp số bệnh nhân gia tăng…
Trên thực tế, thời gian qua, mỗi quốc gia châu Âu đều thực thi những biện pháp và xác định ưu tiên riêng trong kiềm chế dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, sự hợp tác để cùng ứng phó là yếu tố cực kỳ cần thiết khi Lục địa già có sự liên thông mạnh mẽ về đi lại, kinh tế, xã hội… Cao ủy Y tế EU Stella Kyriakides nhấn mạnh sự sẵn sàng của mỗi quốc gia vô cùng quan trọng, nhưng hành động phối hợp có ý nghĩa lớn để châu Âu chiến thắng dịch bệnh.