Đổi pin cũ nhận quà, 2,5 tấn pin cũ đã được thu hồi

2545 kg pin cũ vừa được trường Đại học Sư Phạm TP HCM và Cocoon Việt Nam bàn giao cho đơn vị xử lý, giúp môi trường không bị tàn phá

Sáng 5-6, "Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới" với chủ đề "Chỉ một trái đất" được tổ chức tại trường Đại học Sư phạm TP HCM. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức; trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho sinh viên.

Bàn giao hơn 2,5 tấn pin cũ cho đơn vị xử lý

Bàn giao hơn 2,5 tấn pin cũ cho đơn vị xử lý

Phát biểu tại buổi lễ, TS Hoàng Hoa Cương, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho hay phát triển bền vững là vấn đề toàn cầu nên rất cần những hành động thiết thực hơn vì môi trường. TS Hoàng Hoa Cương nhấn mạnh: "Nâng cao nhận thức và khuyến khích các hành động vì môi trường đã trở thành nền tảng quan trọng thúc đẩy các sự tiến bộ. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi con người cần có những hành động cụ thể hơn, hiệu quả hơn để chung tay bảo vệ thành phố xanh, trái đất xanh".

Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chia sẻ tại buổi lễ

Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chia sẻ tại buổi lễ

Tại buổi lễ, 2545 kg pin cũ đã được bàn giao cho Công ty Môi trường xanh VN để xử lý. Số pin cũ này được các tình nguyện viên của dự án "Thu hồi pin cũ – Bảo vệ trái đất xanh" thu gom từ người dân trên địa bàn TP HCM.

Dự án "Thu hồi pin cũ - Bảo vệ trái đất xanh" được các bạn sinh viên tham gia mạnh mẽ

Dự án "Thu hồi pin cũ - Bảo vệ trái đất xanh" được các bạn sinh viên tham gia mạnh mẽ

Theo đó, trong 1 tháng qua, dự án đã bố trí 85 điểm thu gom pin cũ khắp TP HCM, người dân đến đây giao nộp pin cũ thay vì vứt ra môi trường. Để khuyến khích, dự án hoạt động theo hình thức đổi pin cũ nhận quà, mỗi người dân khi đến nộp pin cũ sẽ được nhận những phần quà từ ban tổ chức dự án.

Đại diện Cocoon Việt Nam, chị Phạm Thị Ngọc Biển, cho biết nhiều người hiểu được tác hại từ pin cũ khi thải ra môi trường, thế nhưng khi sử dụng xong lại không biết xử lý như thế nào.

"Trong pin chứa các kim loại như chì, thủy ngân,… và 1 viên pin khi sử dụng xong nếu bỏ ra môi trường tự nhiên có thể sẽ gây ô nhiễm cho 1 mét khối đất hoặc nước trong vòng 50 năm. Thấy được tác hại to lớn từ pin cũ nên chúng tôi muốn thu gom chúng lại rồi tìm một đơn vị chuyên môn để xử lý, góp phần bảo vệ môi trường" - chị Biển cho hay.

Nâng cao nhận thức của sinh viên tại không gian triển lãm Dự án cộng đồng "Thu hồi pin cũ – Bảo vệ trái đất xanh"

Nâng cao nhận thức của sinh viên tại không gian triển lãm Dự án cộng đồng "Thu hồi pin cũ – Bảo vệ trái đất xanh"

Ngoài hoạt động trên, chương trình còn có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường, như: Hội thi thiết kế tranh cổ động - Chủ đề “Vì trái đất xanh”; Hội thi thiết kế đồ dùng dạy học từ vật liệu tái chế - Chủ đề “Không chỉ là rác thải”; Tổ chức các đội hình môi trường Xanh tại các điểm đen trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,...

Hội thi thiết kế đồ dùng dạy học từ vật liệu tái chế - Chủ đề “Không chỉ là rác thải”

Hội thi thiết kế đồ dùng dạy học từ vật liệu tái chế - Chủ đề “Không chỉ là rác thải”

Hội thi thiết kế tranh cổ động - Chủ đề “Vì trái đất xanh"

Hội thi thiết kế tranh cổ động - Chủ đề “Vì trái đất xanh"

Sinh viên Phan Thị Thu Thảo (trường Đại học Sư phạm TP HCM), chia sẻ: "Là một sinh viên trường Sư phạm, hơn ai hết mình rất cần những kiến thức về bảo vệ môi trường để sau này truyền đạt lại cho học sinh của mình. Tham gia chương trình, mình có thêm những kiến thức bổ ích để áp dụng trong đời sống, góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta”.

ANH VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/doi-pin-cu-nhan-qua-25-tan-pin-cu-da-duoc-thu-hoi-20220605132916322.htm