Đội quân đặc nhiệm đầu tiên trên thế giới ra đời như thế nào?
Ban đầu, đội quân này là lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô, nhằm mục đích sử dụng trong những trường hợp đặc biệt.
Ngày 8-1-1936, tại Liên Xô đã thành lập đội quân đặc nhiệm đầu tiên theo mệnh lệnh số 001 của Bộ Dân ủy Quốc phòng. Thành phần của lực lượng này bao gồm các lữ đoàn máy bay ném bom hạng nặng đóng tại phần lãnh thổ châu Âu của Liên bang Xô viết. Đội quân đặc nhiệm đầu tiên được đặt tên viết tắt là AON-1.
AON-1 được tạo ra trên cơ sở 3 quân đoàn máy bay ném bom hạng nặng đóng tại Monino, Kalinin và Rostov. Ban đầu, đội quân này được chỉ định là lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô, tức là để sử dụng trong những trường hợp đặc biệt. Ban đầu, máy bay chính của AON-1 là những chiếc oanh tạc cơ hạng nặng TB-3.
Sau đó, chúng được thay thế bằng những chiếc máy bay ném bom tầm xa hai động cơ DB-3 (TsKB-30). Sự thay đổi này bắt đầu diễn ra vào năm 1937, khi các nhà máy xuất xưởng những chiếc máy bay mới do Sergey Ilyushin thiết kế.
Một thời gian sau, có thêm hai đội quân đặc nhiệm nữa được thành lập. Đội quân thứ hai (AON-2) đóng tại vùng Viễn Đông, còn đội quân thứ ba (AON-3) đóng tại khu vực Bắc Kavkaz. Theo đó, sở chỉ huy của AON-1 được đặt tại Moscow, của AON-2 đặt tại Khabarovsk, còn của AON-3 thì tại Rostov-on-Don.
Ngoài máy bay ném bom tầm xa DB-3, phục vụ tại những đội quân đặc nhiệm này còn có các máy bay Tupolev TB-3, cũng như máy bay trinh sát R-6, tiêm kích hộ tống I-3 và I-5. Mỗi AON bao gồm 3 lữ đoàn với mỗi lữ đoàn có 6 phi đội. Theo đó, cơ cấu được phân bổ như sau: Hai phi đội máy bay ném bom hạng nặng, hai phi đội máy bay ném bom tầm xa, một phi đội máy bay trinh sát và một phi đội máy bay tiêm kích.
Về số lượng thì gồm có 72 máy bay ném bom, 36 máy bay trinh sát và 36 máy bay tiêm kích. Cùng với các máy bay hỗ trợ (chỉ huy, thông tin liên lạc, vận tải), trong thành phần biên chế của AON ban đầu có 216 máy bay. Về sau, con số này tăng lên 340 – 360 chiếc.
Trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức vào năm 1941, AON-1 và AON-3 đã từng tham gia vào các cuộc chiến. Theo đó, AON-1 tham gia vào chiến tranh giữa Liên Xô và Phần Lan, còn AON-3 tham gia trong các cuộc xung đột với Nhật Bản vào những năm 1938-1939.
Tháng 10-1940, các đội quân đặc nhiệm của Liên Xô bị giải thể. Tuy nhiên trên cơ sở các lực lượng này, Cục Hàng không máy bay ném bom tầm xa đã được thành lập, với thành phần bao gồm 5 quân đoàn máy bay ném bom hạng nặng.