Đổi quốc tịch có được sở hữu đất ở Việt Nam?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Câu hỏi

Bố mẹ cho tôi một mảnh đất có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Sắp tới tôi dự định kết hôn, sang Đức định cư với vợ và hoàn thiện các thủ tục đổi quốc tịch, khi đó quyền sở hữu mảnh đất nói trên của tôi sẽ như thế nào?

Trả lời

Thứ nhất, về quyền sử dụng đất, Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

“1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

Điều 18 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Vì vậy, trong chính sách đất đai và nhà ở, pháp luật nước ta có những quy định cụ thể về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 2 đối tượng là công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài; và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong số 7 nhóm chủ thể sử dụng đất ở Việt Nam. Trong quan hệ sử dụng đất tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuy không nhiều so với các chủ thể khác nhưng có đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Trường hợp bạn sang nước Đức định cư, đổi quốc tịch thì vẫn được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên hoàn toàn có quyền sử dụng mảnh đất mà bố mẹ đã cho.

Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư tại nước ngoài về sử dụng đất được thực hiện theo Điều 168 Mục I Chương XI Luật Đất đai 2013.

Luật sư Dương Thị Bích Hạnh - Giám đốc Công ty Luật TNHH DBH, Hà Nội

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-quoc-tich-co-duoc-so-huu-dat-o-viet-nam.html