Đối sách của các nước ứng phó khủng hoảng kinh tế do COVID-19

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 9/3 thông báo nước này sẽ chi 1,2 tỉ AUD (920 triệu USD) để mở rộng chương trình hỗ trợ lương cho người mới vào nghề - Nguồn: AFP

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 9/3 thông báo nước này sẽ chi 1,2 tỉ AUD (920 triệu USD) để mở rộng chương trình hỗ trợ lương cho người mới vào nghề.

Theo chương trình được biết đến dưới tên gọi "JobKeeper", Chính phủ Úc hỗ trợ lương cho người lao động của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chương trình này ban đầu có tổng giá trị lên tới 70 tỉ AUD và dự kiến kéo dài đến cuối tháng 3/2021.

Thủ tướng Morrison cho biết chương trình "JobKeeper" sẽ được thay thế bằng một gói kích thích nhằm vào các mục tiêu cụ thể, trong đó giai đoạn đầu sẽ phân bổ để mở rộng chương trình hỗ trợ tiền lương cho các nhân viên tập sự.

Theo ông Morrison, các số liệu cho thấy kinh tế Úc đang phục hồi, song các doanh nghiệp vẫn cần hỗ trợ và điều quan trọng là đảm bảo các nhân viên tập sự có cơ hội nâng cao tay nghề và được tuyển dụng.

Với chương trình mới, Chính phủ Úc sẽ chịu trách nhiệm chi trả 50% lương cho nhân viên tập sự, với hạn mức tối đa 7.000 USD/người/quý trong 12 tháng. Chương trình này sẽ kéo dài đến tháng 9/2022.

Theo đó, sẽ có khoảng 70.000 nhân viên tập sự được hưởng hỗ trợ từ chương trình này. Các doanh nghiệp hoan nghênh kế hoạch của chính phủ.

Quyết định chấm dứt chương trình "JobKeeper" của Chính phủ Úc đã làm dấy lên quan ngại tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng trở lại, tuy nhiên, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg cho rằng tỉ lệ thất nghiệp trong cả năm 2021 sẽ giảm dần.

Theo báo cáo của Cơ quan thống kê Úc tuần trước, tỉ lệ thất nghiệp ở Úc đã giảm từ 6,6% còn, 6,4%, tích cực hơn so với mức dự báo 6,5% trước đó, và giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 7,5% ghi nhận hồi tháng 7/2020.

Trong khi đó, ngày 8/3, Thống đốc Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) Andrew Bailey nhận định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ ít để lại những “vết sẹo” lâu dài hơn so với các cuộc suy thoái trước đó.

Anh, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, phải hứng chịu cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong số các quốc gia phát triển do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, nước Anh hy vọng sẽ đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường sớm hơn dự kiến ban đầu.

Bất chấp việc phải phong tỏa xã hội ba lần trong một năm, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh dự báo rằng nền kinh tế nước này sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào giữa năm 2022, sớm hơn sáu tháng so với dự báo ban đầu.

Ông Bailey cho biết, một số tác động lên nguồn cung liên quan trực tiếp đến việc hạn chế hoạt động xã hội. Theo ông, tình hình này có thể chỉ là tạm thời và sẽ bắt đầu đảo ngược khi triển vọng về y tế được cải thiện.

Trước cuộc họp chính sách của BoE vào tuần tới, Bailey cho biết nền kinh tế Anh phải đối mặt với áp lực từ "cả hai phía." Lo ngại rằng tình hình dịch bệnh xấu đi có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, trong khi sự bùng nổ hoạt động kinh tế với triển vọng khủng hoảng COVID-19 được cải thiện lại có thể kích hoạt tình trạng lạm phát.

Lo ngại lạm phát gia tăng đã khiến các nhà đầu tư từ bỏ trái phiếu, đẩy tỉ lệ lãi suất tăng cao. BoE đang xem xét khả năng áp dụng lãi suất âm trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư, một biện pháp chưa từng được sử dụng trước đây ở Anh. Ông Bailey cũng đang xem xét "thắt chặt chính sách tiền tệ nếu cần thiết" trong nỗ lực hạn chế lạm phát.

Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc ngày 9/3 thông báo cơ quan này đã quyết định kéo dài thời hạn nới lỏng các quy tắc thanh khoản cho các ngân hàng thêm 6 tháng để đảm bảo các tổ chức tài chính có thể cung cấp vốn cho các công ty trong thời kỳ đại dịch COVID-19, quyết định được ban hành hồi tháng 4/2020 và dự kiến hết hạn vào tháng 3/2021. Theo đó, các ngân hàng được duy trì tỉ lệ đảm bảo thanh khoản ngoại hối (LCR) ở mức 70%, thấp hơn mức 80% theo quy định trước đây.

Cùng ngày, Công báo Thổ Nhĩ Kỳ đăng tin nước này gia hạn thêm 2 tháng lệnh cấm các doanh nghiệp ngừng sản xuất, từ ngày 17/3. Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành lệnh cấm trên trong năm 2020 để hạn chế những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với thị trường việc làm và nền kinh tế nói chung.

Tỉ lệ thất nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tới 12,9% trong tháng 11/2020 và tiếp tục gia tăng khi các biện pháp phòng chống dịch ứng phó với làn sóng dịch thứ 2 tác động mạnh đến các doanh nghiệp.

Trong diễn biến khác, một cuộc khảo sát trên quy mô toàn cầu với sự tham gia của 208.807 người tại 190 quốc gia cho thấy Canada đã vượt qua Mỹ, trở thành điểm đến mong muốn nhất đối với lao động quốc tế. Có tới 24% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng chuyển đến Canada, trong khi chỉ có 20% muốn đến Mỹ hoặc Úc.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tám năm của cuộc khảo sát (do Boston Consulting Group, The Network và Appcast thực hiện), Mỹ đánh mất vị trí là điểm đến hấp dẫn nhất đối với lao động quốc tế.

Mong muốn được làm việc tại các thành phố lớn của Mỹ cũng giảm và chỉ có hai thành phố của Mỹ lọt Top 30 thành phố hàng đầu trên toàn cầu: TP New York, giảm từ vị trí thứ 2 vào năm 2018 xuống vị trí thứ 8 trong năm 2020 và Los Angeles, giảm từ vị trí thứ 7 xuống thứ 12.

Báo cáo suy đoán rằng tình trạng quản lý yếu kém được phơi bày trong đại dịch COVID-19, sự bất công liên quan đến chủng tộc và các chính sách nhập cư không thân thiện trong những năm gần đây đã tác động đến xu hướng của lực lượng lao động toàn cầu.

Tuy nhiên, không có thành phố nào của Canada nằm trong Top 10 điểm đến đáng mơ ước nhất, với Toronto xếp thứ 14, Vancouver thứ 20 và Montreal thứ 24. London là thành phố được ưa thích nhất để sinh sống, tiếp theo là Amsterdam và Dubai.

Mỹ vẫn được xếp hạng đầu tiên về công việc từ xa, với 1/4 số người tham gia khảo sát sẵn sàng làm việc từ xa cho một công ty Mỹ, trong khi 22% sẵn sàng làm việc từ xa cho các công ty có trụ sở tại Canada.

Canada cũng là điểm đến ưa thích của những người nhập cư từ Mỹ Latin và Caribe, Trung Đông và Bắc Phi... Hồi tháng 10/2020, Ottawa thông báo mục tiêu "kết nạp" thêm 1,2 triệu thường trú nhân mới trong ba năm tới, bao gồm 401.000 người trong năm 2021.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy đại dịch đã tác động tiêu cực đến dòng người nhập cư vào Canada. Thống kê mới nhất của Canada cho thấy số lượng thường trú nhân đã ở Canada trong 5 đến 10 năm giảm từ 1.170.000 vào năm 2019 xuống 1.146.000 vào năm 2020.

Các nhà phân tích cho rằng việc thường trú nhân trở về nước có thể là do mạng lưới hỗ trợ xã hội ở quê nhà tốt hơn, đặc biệt là khi cơ hội việc làm giảm sút trong thời điểm đại dịch.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 10 và tháng 11/2020, với tỉ lệ nam và nữ ngang nhau tham gia khảo sát, hầu hết đều làm việc trong các ngành thương mại. Những người được hỏi phần lớn ở độ tuổi từ 20 đến 40, trong đó gần 3/4 có bằng cử nhân trở lên.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253121/doi-sach-cua-cac-nuoc-ung-pho-khung-hoang-kinh-te-do-covid-19.html