Đời sinh viên ngoài những điều mới lạ, thú vị còn phải đương đầu và vượt qua cám dỗ

Đã bắt đầu vào mùa nhập học của các tân sinh viên đại học. Với các bạn trẻ lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa đại học có ý nghĩa rất đặc biệt. Ngoài việc làm quen với những điều mới lạ, thú vị các bạn còn phải đương đầu với thử thách cam go của cuộc sống, trong đó có việc vượt qua cám dỗ

Với các bạn mới bước vào đời sinh viên, nhất là những bạn từ các tỉnh đổ về thành phố lớn để học tập và có khao khát muốn trụ lại để phát triển sự nghiệp trong hoàn cảnh không người thân, không vốn liếng, thật sự là một khởi đầu đầy chông gai. Nếu không có đầy đủ sự mạnh mẽ, bản lĩnh và tự tin vào bản thân mình, các bạn sẽ rất dễ bị gục ngã trước mọi cám dỗ.

Đa phần với các bạn, cám dỗ thường gặp nhiều nhất là trong môi trường việc làm và tình yêu.

Sinh viên làm thêm là việc bình thường. Đa số các bạn làm thêm để trang trải học phí, sinh hoạt, cải thiện cuộc sống. Nhưng cũng có bạn làm thêm để trải nghiệm thực tế cuộc sống, tìm kiếm cơ hội tiếp xúc và mở rộng mối quan hệ, tiến đến tìm cho mình một công việc đúng với chuyên môn, sở thích, để tạo lập cho mình một chỗ đứng vững vàng sau khi ra trường.

Đa phần với các bạn sinh viên, cám dỗ thường gặp nhiều nhất là trong môi trường việc làm và tình yêu. Ảnh: IT

Đa phần với các bạn sinh viên, cám dỗ thường gặp nhiều nhất là trong môi trường việc làm và tình yêu. Ảnh: IT

Với các bạn kinh tế gia đình eo hẹp, đầu tiên các bạn rất cần một việc làm để mưu sinh nên tạm thời chấp nhận mọi công việc mang đến thu nhập. Biết được nhu cầu này của các bạn, nhiều cái bẫy “việc nhẹ lương cao” được giăng ra. Nếu không tỉnh táo và hiểu biết, các bạn rất dễ bị mắc lừa.

Có nhiều bạn do thu nhập của công việc làm thêm khá hấp dẫn nên tập trung vào công việc, chểnh mảng học hành dẫn đến nợ môn, lưu ban, thậm chí bị kỷ luật, buộc thôi học…

Có nhiều bạn vì “nôn nóng” tìm việc làm thêm và bị hấp dẫn bởi công việc được hứa hẹn đúng chuyên môn, sở thích, khi ra trường sẽ được nhận ngay vào biên chế chính thức... đến nỗi hy sinh cả “bản thân” mình.

Trong thực tế đã xảy ra trường hợp, T. là sinh viên báo chí đến thực tập tại một tòa soạn. Hấp dẫn bởi lời hứa hẹn sau khi ra trường sẽ được nhận vào làm nhân viên chính thức, kể cả cái cái biên chế cũng đang nằm trong tay một người sếp. Trước sự cám dỗ ấy, T. đã thỏa hiệp với vị sếp đó bằng những cuộc “hẹn hò”, trong khi bạn ấy đang có bạn trai. Sau khi “giao ước” không thành, T. ức quá tố mình bị hiếp dâm. Không có bằng chứng thuyết phục, T. “thua cuộc”, mất cả chì lẫn chày. Tiếc nhất là một mối tình đẹp đã trở thành ký ức chỉ vì không vượt qua được sự cám dỗ khắc nghiệt của cuộc sống. Câu chuyện sau đó trở thành bài học cảnh giác cho rất nhiều bạn sinh viên nữ.

Ngoài cạm bẫy trong môi trường việc làm, cám dỗ trong tình yêu cũng là thứ cám dỗ khó vượt qua của các bạn sinh viên, nhất là các bạn mới chân ướt chân ráo bước vào ngôi trường đại học.

"Tình yêu là trái táo thơm" Ảnh: IT

"Tình yêu là trái táo thơm" Ảnh: IT

Khung trời đại học được gọi là khung trời hoa mộng và tuổi mưới tám là tuổi chở đầy ước mơ tươi đẹp về thứ tình yêu học trò ngây ngô như lá cỏ. Vì thế, các bạn dễ vấp phải nhiều sai lầm.

Nhiều người thường nghĩ rằng, các bạn trẻ ngày nay “khôn” hơn bạn trẻ ngày xưa về khoản yêu đương. Thật ra, mỗi thời, chuyện yêu đương nam nữ được xã hội nhìn nhận theo một quan điểm khác nhau, có những ràng buộc và quy chuẩn đạo đức, luật pháp khác nhau. Tuy nhiên, cho dù là thời đại nào, ngoài niềm vui và hạnh phúc thì những hệ lụy do tình yêu và sự cám dỗ của tình yêu mang đến cho con người cũng đều đáng cảnh giác, nhất là với các bạn sinh viên.

Sự hấp dẫn của tình yêu tuổi mới lớn không thể không kể đến quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục ngày nay không còn là một vấn đề cấm kỵ, vấn đề là các em cần có kiến thức về an toàn tình dục và sức khỏe sinh sản để không mắc phải những căn bệnh liên quan đến tình dục và mang thai ngoài ý muốn.

Sinh con trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường đã dẫn đến nhiều trường hợp các em nữ sinh vứt bỏ con mình rất thương tâm. Như một trường hợp trước đây hẳn mọi người còn nhớ, một em nữ sinh viên đã ném con mình qua cửa sổ từ tầng 31 tòa nhà HH2A Linh Đàm (Hà Nội) làm dậy sóng dư luận một thời.

Không chỉ có nữ sinh, nhiều em nam sinh khi chấp nhận sống thử, đã gánh trên vai mình một gánh nặng mưu sinh rất lớn. Nhiều em vì tình phí, vì đòi hỏi vật chất của bạn gái đã không kham nổi, thậm chí lâm vào cảnh làm bố bất đắc dĩ trong khi tuổi đời còn quá trẻ, nghề nghiệp chưa có, sự nghiệp cũng không.

Nữ sinh ném con ở tòa nhà Linh Đàm - Hà Nội. Ảnh: IT

Nữ sinh ném con ở tòa nhà Linh Đàm - Hà Nội. Ảnh: IT

Sống thử, về mặt “danh chánh ngôn thuận” cũng không rõ ràng, nên nhiều trường hợp xảy ra ghen tuông, bạo hành, bế tắc.

Sống thử ngày nay đang trở thành một xu hướng, không thể nói đúng, sai. Sống thử tùy thuộc vào quan điểm, hoàn cảnh của mỗi lứa đôi. Vấn đề là cần minh bạch, có cân nhắc cẩn thận, chịu trách nhiệm với bản thân và bạn tình của mình.

Với các bạn sinh viên năm nhất, phía trước các bạn là 4 năm phải hoàn thành chương trình học là nhiệm vụ trọng tâm. Các bạn còn rất trẻ, tương lai còn rất dài, các bạn có rất nhiều cơ hội, thời gian tìm kiếm cho mình một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Vì thế, cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng, có đủ quyết tâm, bản lĩnh sẵn sàng đương đầu với thử thách khắc nghiệt, vượt qua sự cám dỗ khó khăn trong cuộc sống.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/doi-sinh-vien-ngoai-nhung-dieu-moi-la-thu-vi-con-phai-duong-dau-va-vuot-qua-cam-do-166476.html