Đời sống Ấm áp chiếc lồng ấp ngày đông
TTH - Huế vào những ngày đông tháng giá, khi những hạt mưa không còn rơi quá nặng để có thể tạo ra những cơn lụt triền miên đầy thương đau, mà thay vào đó là những hạt 'mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ', đất trời miền Trung được khoác lên một chiếc khăn choàng màu xám. Từng cơn gió lạnh như muốn cắt vào da thịt cũng là lúc ông tôi lấy chiếc lồng ấp treo trên gác bếp xuống, nhẹ phủi cho những bụi tro và bồ hóng bay đi.
Nồi cơm nấu bằng củi đã dần cạn nước. Trên bếp lúc này những đốm than hồng đỏ lập lòe đã được bà tôi khều bớt ra. Thế là chiếc lồng ấp của ông tôi lại ấm áp lên sau những ngày ngủ vùi trên gác bếp cạnh chiếc chạn với vô số những chiếc bình, ghè, chum vại bằng đất nung xù xì, bạc thếch in dấu thời gian.
Chiếc lồng ấp, đến giờ vẫn là những gì quý báu nhất in đậm trong mỗi chúng tôi, hiền lành, thân thuộc. Ông tôi vốn là một y sĩ sống trong thanh đạm, hay khám bệnh giúp bà con quanh làng và vui thú điền viên bên bà tôi - một mệ Huế tần tảo và nổi tiếng khéo léo trong vùng với những món bánh đặc trưng của Huế.
Những lúc nhàn rỗi, ông vẫn thường ra vườn chặt tre, vườn nhà tôi rộng và được bao bọc bởi những rặng tre, lồ ô ken kín chung quanh. Ông chăm chỉ cưa, chẻ và đan thành những chiếc rá, rổ và chiếc lồng ấp là một trong những sản phẩm ra đời từ đôi bàn tay tỉ mẩn của ông.
Chiếc lồng ấp ông đan không quá to và những nan tre được ông chẻ và chuốt thật kỹ, thật mảnh. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần ông đan chúng tôi rất thích ngồi bên ông, chăm chú nghe ông bày cách và nghịch những cọng tre ông vót ra cuốn tròn như mái tóc những nàng búp bê tây tóc vàng xoăn tít. Thỉnh thoảng gặp lúc rảnh rỗi, tôi còn được ông đan cho những chiếc rổ bé tí tẹo xinh xinh để chơi đồ hàng.
Chiếc lồng ấp thanh cảnh ông làm xong được treo trên gác bếp. Ngày tháng thoi đưa và những sợi khói nồng đượm đã vấn vương để chiếc lồng ấp thêm phần rắn rỏi. Những nan tre đã chuyển sang một màu nâu thẫm cũng vừa kịp lúc những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu ùa về. Chúng tôi ngồi chung quanh ông. Những bàn tay bé xíu đan vào nhau đặt chung quanh lồng ấp. Những đốm than hồng làm những ngón tay lạnh giá bớt run rẩy tái tê.
Từ hình ảnh anh chị em đan tay đặt vào lồng ấp, chúng tôi cũng được ông dạy những điều nhường nhịn, đúng sai. Cháu nội hay cháu ngoại, khi đã chung một mái gia đình thì chuyện nhường nhịn cũng như những bàn tay đan vào lồng ấp vậy. Nhường nhau một chút hơi ấm để tình ruột thịt thêm đoàn kết, yêu thương. Những câu chuyện về chàng trai Thạch Sanh tài giỏi, thằng Lý Thông độc ác, cô công chúa xinh đẹp hiền lành, nàng cô phụ chờ chồng hóa đá... lần lượt được ông kể bên chiếc lồng ấp lập lòe ánh than hồng. Tiếng đàn bầu của ông nỉ non khoan nhặt. Tôi ríu mắt ngủ gục trên tay bà tôi. Trong giấc mơ có bà tiên với muôn vàn điều ước trong ngày đông hàn yên ấm...
Đã bao mùa xuân hạ thu đông, cây me sau vườn đã bao lần cho chúng tôi những thẩu mứt me dòn tan ngày Tết, tuổi thơ chúng tôi cũng lớn dần lên bắt đầu bằng hơi ấm tình thương từ chiếc lồng ấp này. Để mỗi khi đi xa, hay trước những ngọn gió lạnh ùa về vây kín, thấy thèm biết bao được trở về đan tay quanh chiếc lồng ấp. Nghe những ngọn gió mùa đã rụt rè dừng lại bên bậc cửa. Mùi củ khoai lang lùi bếp tro từ chiếc lồng ấp ngạt ngào tỏa thơm. Mùa đông dường như thôi không còn lạnh giá.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/am-ap-chiec-long-ap-ngay-dong-a120998.html