Đời sống Ăn dưa lưới ở Nhật, nghĩ về thanh trà Huế

Thăm và thưởng thức trái cây tại vườn ở nước bạn khiến tôi ước mơ quả thanh trà Huế mau chóng trở thành sản phẩm du lịch của thế giới.

Thăm vườn trái cây là một trong những chương trình trong tour du lịch Nhật Bản của tôi dịp hè vừa qua. Là con nhà vườn, tôi cũng từng cùng mẹ và các anh trai trồng nhiều loại trái cây ngon, như: mãng cầu, hồng bì, mít, ổi, cóc... vậy mà vẫn háo hức khi nghe tour có chương trình này.

Du khách tự chọn và hái một quả dưa lưới

Du khách tự chọn và hái một quả dưa lưới

Tháng sáu là mùa dưa lưới ở Nhật. Dưa được trồng trong nhà kính với diện tích khoảng hơn một ngàn mét vuông chứ không rộng như tưởng tượng của tôi trước đó. Đó là điều đầu tiên để tôi so sánh với cây thanh trà được trồng nhiều năm trong những khu vườn tự nhiên rộng gấp nhiều lần. Nếu được làm du lịch, những vườn thanh trà sẽ có đủ không gian cho khách lang thang dưới những tán cây rộng với bóng mát tự nhiên. Về chất lượng, còn tùy cảm nhận của mỗi người về từng loại trái cây khác nhau. Thế nhưng, rõ ràng thanh trà Huế đã tự khẳng định chất lượng thông qua các kênh thông tin, truyền thông và không ít du khách đến Huế tìm mua thanh trà mang về làm quà.

Chương trình được xếp vào trưa ngày thứ hai của chuyến đi 6 đêm 5 ngày, sau khi tham quan núi Phú Sĩ ở thành phố Nayoka, xe đưa chúng tôi đến thành phố Shizuoka vừa đúng giờ ăn trưa. Có lẽ, đây là chủ ý của ngành du lịch nước bạn để tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ và lồng ghép giới thiệu văn hóa ẩm thực thông qua bữa cơm truyền thống của người Nhật.

Ngắm nghía cách bày biện bữa ăn thể hiện tính truyền thống của nước bạn, tôi lại hình dung đến bữa cơm Huế với niêu cá kho tộ, canh rau tập tàng... và những chén dĩa bằng gốm có in hình hoa văn màu xanh trong những căn nhà rường. Khi mà ở phường Thủy Biều có nhiều khu vườn rộng thênh thang, đủ điều kiện để xây dựng những nhà hàng thiết kế theo kiểu nhà Huế xưa, tạo được sự độc đáo của riêng Huế.

Mỗi du khách được tặng một quả dưa lưới, hướng dẫn viên cho biết, đó là trái cây sạch nên giá của nó từ 3 đến 4 trăm Yên (tương đương 6 đến 8 trăm ngàn đồng tiền Việt) nên thu hút chúng tôi khá nhanh và hầu như ai cũng đã mang sản phẩm về nước. Nói là tặng, nhưng theo phân tích của hướng dẫn viên thì đây là một trong những nghệ thuật khi làm du lịch, vì sản phẩm đã được tính trong phí tham quan, có nghĩa là người trồng dưa vừa bán được vé tham quan, vừa tiêu thụ sản phẩm dễ dàng.

Chương trình thăm vườn trái cây ở Nhật Bản được tổ chức tùy theo mùa, mùa đông kéo dài sang xuân có dâu tây, tháng bảy đến tháng 9 có đào, mận, nho... Điều này, có lẽ cũng sẽ không khó, vì ngoài thanh trà, mỗi mùa Huế cũng có những loại trái cây riêng và rất phong phú. Cùng với đó, chúng ta có thể lồng ghép việc quảng bá ẩm thực giới thiệu văn hóa Huế như để du khách tự chế biến mứt vỏ thanh trà, thanh trà trộn khô mực...; hay, chỉ cần chuẩn bị thêm một vài dụng cụ cuốc đất, làm cỏ, cắt cành sẽ tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm bằng cách tự tay cầm xẻng chăm cây, tỉa cành... Chắc chắn, du khách cũng sẽ thích thú khi được mang một quả thanh trà về "khoe" với người thân nơi mình đã đến.

Để giữ chân du khách đến Huế lâu hơn, sau khi tham quan các di sản, chùa chiền, đầm phá..., việc tạo ra những sản phẩm du lịch từ cây nhà lá vườn sẽ là điểm nhấn thú vị trong các tour du lịch của Huế. Tất cả như đã ở trong tầm tay, điều còn lại chỉ là làm sao xây dựng chương trình một cách bài bản và chuyên nghiệp. Nếu được như vậy, chẳng phải lợi ích đã nhân đôi khi vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, vừa tăng thêm sản phẩm du lịch.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/an-dua-luoi-o-nhat-nghi-ve-thanh-tra-hue-a74912.html