Đời sống Biến tấu cho len, sợi mùa hè
TTH - Biến tấu với những cuộn len, sợi đa sắc màu, Lê Hồng Nhật Phương gây dựng cho mình không chỉ cơ ngơi với hàng nghìn sản phẩm len khác nhau mà còn trao gửi tình yêu đan, móc đến các bạn trẻ chung đam mê.
Một buổi sẻ chia workshop rộn ràng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ workshop...
Mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, không gian tầng 2 tại quán cà phê trên đường Lâm Hoằng (TP. Huế) lại rộn ràng tiếng nói cười. Rộng rãi, ngập tràn sắc màu của hàng trăm loại len, sợi khác nhau, các bạn trẻ cùng tìm tòi, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm để đan, móc len hiệu quả.
Hoạt động này đã diễn ra từ năm 2020 đến nay và hoàn toàn miễn phí. Trước đó, chị Nhật Phương đã có hơn 10 năm trời chia sẻ kinh nghiệm đan, móc len cũng như tình yêu với nghề thủ công này. Chị cho biết: “Mình đến với nghề đan, móc cũng nhờ mối duyên của gia đình. Niềm đam mê này bắt đầu từ khi mình còn là cô học trò cấp II. Sau này, song song cùng công việc, mình vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi cũng như cập nhật thêm nhiều mẫu đan, móc mới”.
Các workshop chia sẻ về nghề đan, móc nhận được rất nhiều sự quan tâm và hưởng ứng không chỉ giới trẻ hay phái nữ. Ngược lại, nhiều bạn học sinh, các cô, chú hay bạn nam cũng tìm đến đây để học hỏi và thỏa sức sáng tạo.
Võ Minh Toàn, một bạn nam tham gia workshop cho biết: “Em biết đến đan, móc len từ lâu nhưng mãi đến gần đây, em mới thật sự tìm hiểu về loại hình này thông qua những hoạt động do chị Phương tổ chức. Tỉ mỉ, kỳ công và rất cần sự kiên nhẫn, sau vài buổi học là em đã có thể tự tay mình tạo nên những sản phẩm đan móc trang trí vô cùng đáng yêu để tặng mẹ, tặng bạn bè”.
Khác với Minh Toàn khi tìm đến đan móc như một bộ môn giải trí, bén duyên với đồ len, sợi thủ công đã 10 năm nay, Nguyễn Thị Tường Vân lại xác định đồ len handmade sẽ là con đường khởi nghiệp của mình. Cô gái 9X chia sẻ: “Nếu so sánh, mình vẫn thích móc hơn đan bởi móc len, sợi có tính ứng dụng cao hơn. Ban đầu rất khó khăn để tiếp cận nghề, nhưng nhờ những buổi workshop và chia sẻ kinh nghiệm với các anh chị đi trước, đặc biệt là chị Phương, mình càng tin tưởng và kiên định với sự chọn lựa của bản thân”.
Đến len cho... mùa hè
Những tưởng len, sợi dành cho đan móc chỉ “lên ngôi” vào mùa đông, nhưng hiện tại với các loại len, sợi chuyên dụng, những sản phẩm len mùa hè như áo, váy, mũ, túi xách, khăn choàng đang ngày càng đa dạng. Nắm bắt nhu cầu ấy, vào cuối tháng 3 năm nay, chị Phương và 20 người thợ đan, móc trình làng hàng chục bộ trang phục được tạo nên từ chất liệu len, sợi từ show diễn với chủ đề về biển.
Chị bộc bạch: “Đây là chương trình đầu tiên và cũng là chương trình vô cùng độc đáo tại Huế khi quy tụ những người có chung đam mê đan, móc. Tất cả sản phẩm đều được làm thủ công và phải mất 3 tháng để hoàn thiện”.
Không chỉ đa dạng từ áo choàng, trang phục đi biển, mũ, nón, buổi biểu diễn còn mang đến những sắc màu sáng tươi, rực rỡ và nhiều kiểu đan, móc len mới lạ, bắt mắt. Chị Phương Nhi, một khán giả của chương trình, chia sẻ: “Ban đầu mình cũng ngại đi vì không nhận ra sự ăn nhập giữa biển, mùa hè và các sản phẩm len sợi đan, móc. Nhưng khi nhìn các bạn người mẫu trình diễn, mình mới nhận thấy vẻ đẹp, sự độc đáo và kỳ công của mỗi đường móc, mũi đan. Có lẽ tới đây mình sẽ tậu một bộ đồ và túi xách được đan, móc thủ công để dành riêng cho mùa hè này”.
Không chỉ mang nghề thủ công đan, móc len sợi đến gần hơn với mọi người, chị Nhật Phương còn mong muốn nâng các sản phẩm thủ công này lên một tầm cao mới. Chị bật mí: “Ngoài show diễn tại Huế, mình đang cố gắng chạy đua để thực hiện các workshop và show thời trang ở những tỉnh bạn. Mình còn phát triển thêm mảng tranh trang trí từ đan, móc để đa dạng hóa tính ứng dụng của nghề thủ công này. Biết đâu đấy, các sản phẩm đan móc cũng sẽ trở thành một món quà lưu niệm thú vị mà du khách lựa chọn khi đến Huế”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/bien-tau-cho-len-soi-mua-he-a112754.html