Đời sống công nhân cao su Lai Châu ngày càng đủ đầy
Từ bỏ thói quen làm nông nghiệp tự do, người dân ở các xã vùng cao tỉnh biên giới Lai Châu đã quen với giờ giấc làm nông nghiệp khoa học khi vào làm công nhân cao su. Với các phần việc chăm sóc, cạo mủ hằng ngày, thu nhập hàng tháng của các công nhân không ngừng được cải thiện.
Từ bỏ thói quen làm nông nghiệp tự do, người dân ở các xã vùng cao tỉnh biên giới Lai Châu đã quen với giờ giấc làm nông nghiệp khoa học khi vào làm công nhân cao su. Với các phần việc chăm sóc, cạo mủ hằng ngày, thu nhập hàng tháng của các công nhân không ngừng được cải thiện. Từ đó, đời sống các gia đình công nhân từng bước ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao.
Bản Chiềng Chăn 4, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có 130 hộ thì có 2/3 số hộ có người đi làm công nhân cao su. Nhờ nguồn thu nhập từ công việc cạo mủ, bộ mặt nông thôn của bản đã có nhiều khởi sắc, với những ngôi nhà kiên cố, chắc chắn. Hầu hết các hộ có người đi làm công nhân cao su giờ đây đã thoát ra khỏi hộ nghèo, với điều kiện vất chất đủ đầy hơn.
Chị Điêu Thị Hoài, người dân bản Chiềng Chăn 4 và là công nhân Nông trường cao su Nậm Na, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II chia sẻ, trước đây gia đình chị chỉ làm nương, làm ruộng, muốn tiêu gì mua gì thì đều phải mang thóc, ngô đi bán, đi đổi. Bây giờ làm công nhân, công việc làm ở gần nhà thì cũng tranh thủ làm ruộng, làm nương và chăn nuôi nữa nên cuộc sống cũng khá hơn nhiều. Hai vợ chồng chị đã có hơn 10 năm làm công nhân cao su, thu nhập bình quân hơn 10 triệu/tháng nên cuộc sống ổn định hơn trước.
"Nếu không có cao su với Công ty về đóng ở đây chắc là cuộc sống cũng không bao giờ thay đổi được. Tôi đi làm được có tiền rồi thì tôi thích ăn gì, thích cái gì tôi mua cái đó, tôi không còn phải nợ nần như trước. Kể cả khi vợ chồng tôi làm cái nhà này cũng không phải vay ngân hàng, cứ tích góp từng năm một xong rồi làm thôi. Đến bây giờ cảm thấy hài lòng làm công nhân, vì cả hai vợ chồng cũng đóng bảo hiểm thì sau này tôi sẽ được hưởng nữa", chị Điêu Thị Hoài chia sẻ thêm.
Cũng như nhiều người dân trong xã, vợ chồng anh Hoàng Văn Bình ở bản Chiềng Nưa, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có gần 10 năm làm công nhân cao su. Với cố gắng của mình, anh chị không chỉ lo cho con đi học đại học dưới Hà Nội mà còn mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình như: Xe máy, máy giặt, tủ lạnh, ti vi... Vinh dự hơn, vừa qua anh được bầu là một trong 2 công nhân ưu tú của công ty và lần đầu tiên được đi máy bay về thăm thành phố mang tên Bác dự hội nghị tuyên dương công nhân điển hình.
Anh Hoàng Văn Bình vui mừng nói: "Ngày trước làm nông nghiệp thì phải đi làm nương, làm rẫy một năm chỉ được khoảng 1 tấn thóc tương ứng với 6 - 7 triệu đồng mà phải đi làm ngoài kiếm thêm thu nhập nhưng rất ít. Đi làm công nhân cao su ổn định thu nhập hàng tháng, cuộc sống gia đình thì cũng trang trải được ít việc như cho con cháu đi học, mua đồ dùng trong gia đình đầy đủ. Ở nông thôn thì trước kia muốn cho con đi học cũng hơi khó khăn, phải đi vay mượn, bây giờ có lương, thu nhập hàng tháng thì có tiền trang trải cho con đi học. Bây giờ thì thấy cuộc sống khác hẳn luôn, sướng hơn nhiều".
Xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ là "thủ phủ" cao su khu vực sông Nậm Na, với hơn hơn 1.700ha. Để đảm bảo chăm sóc và khai thác mủ diện tích trên, đến nay đã có hơn 200 người dân địa phương xin vào làm công nhân cao su. Ngoài thu nhập từ số tiền trích 10% tỷ lệ góp đất, trung bình lương mỗi công nhân hàng tháng từ 5 - 6 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, đời sống người dân được nâng lên và bức tranh nông thôn cũng đang từng ngày đổi khác.
Ông Lò Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ cho biết: Toàn xã có 6 bản, với gần 800 hộ, trên 3.000 nhân khẩu. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cao su, nên thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã cũng tăng lên 32 triệu đồng/người/năm. Đến nay, địa phương đã hoàn thành và đang duy trì xã nông thôn mới và tỷ lệ đói nghèo theo tiêu chí mới đa chiều chỉ còn 12%.
"Những người tham gia làm công nhân cao su thấy thu nhập cũng tạm ổn định, qua trao đổi thì họ cũng nói lương tháng khoảng 5 đến 6 triệu; mà so với làm nông nghiệp thì làm công nhân cao su ổn định hơn, bền vững hơn. Hiện nay, thu nhập từ phần trăm góp đất trồng cao su và lương tháng làm công nhân một phần cũng góp cho các hộ gia đình thêm nguồn vốn để tăng gia sản xuất. So với thời điểm vài năm trước, sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay bộ mặt của xã cũng đã có nhiều đổi mới và kinh tế - xã hội của xã nhà cũng có nhiều đổi thay.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 3 công ty cao su, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, quản lý trên 13.000ha cao su đại điền, trong đó có khoảng 10.000ha đã đưa vào khai thác mủ. Để duy việc trì chăm sóc và khai thác mủ các vườn cây, các công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 lao động người địa phương vào làm công nhân cao su tại các nông trường.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II cho biết, để duy trì sản xuất kinh doanh, công ty đã tuyển dụng hơn 1.000 lao động, trong đó có gần 950 công nhân lao động trực tiếp. Năm 2021, ngoài chi đúng, đủ hơn 38 tỷ đồng quỹ lương, thưởng cho người lao động, công đoàn công ty còn đảm bảo các chế độ thai sản, ốm đau, tử tuất, nghỉ dưỡng và hỗ trợ Covid-19, với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đưa vào khai thác hơn 3.300ha, với sản lượng được giao 3.150 tấn mủ quy khô. Để đảm bảo kế hoạch, công ty sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo đến quyền lợi người lao động để người lao động tiếp tục đồng hành, gắn bó với công ty.
"Để tiếp tục ổn định cuộc sống vật chất và tinh thần cho người lao động, Đảng ủy, Ban lãnh đạo công ty cũng đã phối hợp với công đoàn công ty có nhiều chính sách chăm lo đến quyền và lợi ích của người lao động. Ví dụ như hỗ trợ nhà ở, điện năng lượng mặt trời, rồi hỗ trợ các cơ sở vật chất khác để người dân đảm bảo các điều kiện ổn định đời sống. Bên cạnh đó Công đoàn công ty cũng đã ra quân, tặng quà cho tất cả các hộ công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này", ông Nguyễn Hữu Phước cho hay.
Cuộc sống của các gia đình có người làm công nhân cao su ở Lai Châu đang từng bước được nâng lên nhờ giá mủ trên thị trường gia tăng. Nhờ có việc làm, thu nhập và các chế độ chính sách được đảm bảo, đời sống của các gia đình công nhân không ngừng được cải thiện. Bức tranh nông thôn vùng cao các bản làng trồng cao su đang từng ngày đổi thay./.