Đời sống Đã có nhiều hơn tiếng chim trời
Một buổi sáng trong lành.
Tôi phát hiện ra rằng, thành phố đã có nhiều hơn tiếng chim.
Dọc đường Thủy Dương – Tự Đức, tiếng chim bồ chao gọi bầy râm ran. Hàng cây ven đường trước Trường cao đẳng Giao thông vận tải tiếng sẻ thức giấc kêu vang. Đi vào những xóm làng miệt Thủy Xuân, chim chào mào, chim cu rất nhiều.
Phải nói rằng, tiếng chim đã làm cho ta cảm nhận cuộc sống thêm thanh bình.
Và có lẽ, loài chim cũng thấy yên bình hơn mới về đây cư ngụ, sinh sôi nhiều như vậy.
Ở một góc nhìn nào đó, tiếng chim làm cho đời sống này đẹp hơn lên. Nếu nói văn minh hơn cũng không quá đáng. Con người ta đã nhận ra rằng, thiên nhiên trong lành, đẹp đẽ, cân phân… rất cần cho cuộc sống. Khi người ta ớn hết mọi thứ sản xuất theo hướng công nghiệp, người ta tìm về những thực phẩm tự nhiên. Đó là lúc các loài động vật hoang dã, trong đó có chim bị săn bắt gần như triệt để. Họ dụ bắt rất nhiều cách: bẫy, lưới, keo, bắn… làm sao loài chim cảnh giác được. Có một giai đoạn chúng ta có cảm nhận dường như nhiều loài chim bị tuyệt chủng.
Nói đời sống này văn minh hơn là vậy. Đến một lúc, người ta chợt nhận ra rằng, thiếu gì loài thực phẩm để ăn mà phải đi giết những chú chim nhỏ bé. Trước đây, trong một con hẻm đường Bà Triệu, có một quán chim sẻ “nổi tiếng”. Trước khi chim sẻ làm rô ti, nướng có nhiều người uống rượu, ăn tiết canh chim sẻ. Giờ thì quán này vẫn còn nhưng không bán chim sẻ nữa. Hỏi thì chủ quán không giải thích rõ ràng. Có vẻ như có một điều gì đó tâm linh!?
Đã có luật cấm săn bắt động vật hoang dã từ lâu. Nhưng động vật hoang dã vẫn bị lén lút săn bắt. Khi động vật hoang dã càng hiếm thì giá càng cao. Vậy là nó được sự tiếp tay của những người lắm của nhiều tiền. Lợi nhuận sinh ra càng cao càng kích thích cho người ta săn bắt. Động vật hoang dã sinh sôi không kịp so với sự rình rập của con người. Sự cân bằng sinh thái của thiên nhiên bị phá vỡ. Chúng ta đang dần mòn giết chết môi trường sống của mình.
Nhìn nhận như vậy mới thấy rằng, ngay trong lòng thành phố Huế, đang có nhiều tiếng chim mới là đáng quý, đáng trân trọng. Chúng ta đang chung tay bảo tồn thiên nhiên về nhiều lẽ: cây xanh trồng nhiều hơn, nhà vườn được gìn giữ, nhiều người lên tiếng đối với những ai săn bắt chim… Chính người viết bài này có lần chứng kiến, một người bôi keo trên cành cây, cột một con chim sẻ mồi. Từ chiếc điện thoại cầm tay phát ra tiếng của loài chim sẻ. Những người trong xóm phát hiện đã khuyến cáo người này và đồng thời làm vang tiếng động để cho loài chim sẻ không về. Giờ có không ít người, buổi sáng còn rải gạo ra cho chim sẻ ăn. Và bảo vệ loài chim trời này như là của mình nuôi.
Không phải một người, hai người… Nếu nhiều người trong chúng ta ý thức được như vậy, môi trường sống của chúng ta ngày càng đẹp hơn, thú vị hơn. Người Việt Nam sẽ văn minh hơn. Chúng ta sẽ không thua kém với bất kỳ những nước văn minh nào về mặt này. Xem những thước phim của Discovery về thiên nhiên, thấy nhiều nước quý trọng và bảo vệ thiên nhiên nghiêm ngặt. Mùa di cư của các loài chim, thú, ven đường xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh người ta đặt những biển cảnh báo để các “bác tài” chú ý chạy chậm, tránh khi có đàn đi ngang…
Việc này hoàn toàn không phải là vấn đề nhỏ. Ở phường, xã chúng ta họp nhiều, nói nhiều vấn đề nhưng dường như việc nhắc nhở cho mọi người không được săn bắt chim, buôn bán thịt chim, tạo môi trường sống tốt hơn cho loài chim… ít nơi làm. Ngoài những chuyện kinh tế, xã hội… nên thường xuyên nhắc nhở mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, trong đó có loài chim.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/da-co-nhieu-hon-tieng-chim-troi-a75895.html