Đời sống Đầu tư dài hạn cho tương lai
TTH - Nhận thức được việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện với mức càng cao thì lương hưu mai sau được nhận cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nên người tham gia vui vẻ chấp nhận và coi đó là khoản đầu tư dài hạn cho tương lai.
Hãy cố khi còn trẻ tuổi
Tham gia BHXH, chị N.T.Th chỉ nghĩ đến việc được hưởng lương hưu sau này và có thẻ BHYT miễn phí suốt đời là vui rồi. Tham gia được gần 1 năm thì mức đóng tối thiểu tăng hơn gấp đôi. Đóng một lần cho 3 người thật quá sức, nhưng chị Th. lại nghĩ khác: “Đúng là khó khăn hơn trước rất nhiều vì phải đóng cho cả 3 người, nhưng còn khỏe, cố thêm một chút mai sau lương hưu cao thì cũng thích. Cố gắng lúc còn có sức khỏe để tuổi già được thoải mái cũng xứng đáng”.
Cũng với hy vọng có lương hưu cao để cuộc sống mai sau đầy đủ hơn, chị T.M.H vui vẻ đóng mức cao hơn năm ngoái, mặc dù phải bỏ ra thêm mỗi tháng 158.400 đồng (năm trước đóng 1 tháng 138.600 đồng). “Mặc dù phải bỏ số tiền nhiều hơn gấp đôi khi trước, nhưng Nhà nước cũng hỗ trợ cao gấp hơn hai lần tính ra vẫn có lợi. Với lại, cứ nghĩ đến việc mai sau nghỉ hưu lương sẽ cao hơn, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn” chị H. chia sẻ.
Để tuổi già không còn là gánh nặng
Thử ví dụ về trường hợp người lao động nữ bình thường (không phải hộ nghèo, cận nghèo), sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, kỳ vọng hưởng lương hưu 20 năm sau khi nghỉ hưu. Chẳng hạn, với mới mức lương làm căn cứ đóng là 700.000 đồng, mức đóng hàng tháng 138.600 đồng đã được Nhà nước hỗ trợ 15.400 đồng thì tổng lương hưu hưởng trong 20 năm (bao gồm thẻ BHYT và tiền tử tuất) chỉ là 398.096.359 đồng. Thế nhưng, nếu mức lương làm căn cứ đóng là 700.000 đồng, hàng tháng đóng 297.000 đồng, đã được Nhà nước hỗ trợ 33.000 đồng thì tổng lương hưu hưởng trong 20 năm (bao gồm thẻ BHYT và tiền tử tuất) sẽ là 1,5 triệu đồng - một số tiền lớn hơn rất nhiều.
Bà T.T.L, một hưu trí tại TP. Huế, nhận lương hưu hơn 2,5 triệu/tháng chia sẻ “Tuy về già có con cái lo, nhưng không ai muốn phiền hà đến con và muốn được tự mua sắm những gì mình thích. Chẳng hạn như bạn bè rủ đi chơi thì có tiền đi taxi hoặc mua bánh trái làm quà, không phải xin con cái vì đã có lương hưu. Nghĩ đến thế là tôi cảm thấy vui. Có lương hưu tôi thấy cuộc sống thoải mái, không cần đi làm thêm, không lo nghĩ đến chuyện kiếm tiền, xin tiền con. Có lương hưu, tôi tự tin an hưởng tuổi già”.
Tương tự, bà L.T.B.N (ở Phú Vang) chia sẻ, trước đây bà làm bảo mẫu cho một trường mầm non và tham gia BHXH bắt buộc được hơn 10 năm. Được nhân viên đại lý thu hướng dẫn, bà N. tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để được nhận lương hưu. Bà N. đóng hơn 100 triệu đồng cho gần 6 năm tham gia BHXH tự nguyện. “Hiện nay, tôi đã được nhận lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng. Có lương hưu, tôi không phải phụ thuộc nhiều vào gia đình và cảm thấy mình không là gánh nặng cho con cái” - bà N. nói.
Bảo hiểm xã hội là điểm tựa
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: BHXH tự nguyện được ví như “điểm tựa” cho những người lao động tự do khi về già. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thu nhập gia đình, người lao động có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp. Mức đóng cao, thời gian đóng càng dài thì lương hưu mai sau sẽ cao. Có lương hưu bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động là mục tiêu mà mọi người lao động đều muốn hướng tới.
Bên cạnh đó, tiền lương đóng BHXH tự nguyện được tính trượt giá khi tính lương hưu và các chế độ BHXH khác, lương hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình hàng năm của Chính phủ, khi nhận lương hưu được cấp thẻ BHYT hưu trí với mức hưởng 95% khi đi KCB đến suốt đời, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí. Có thể nói, đây là chỗ dựa tin cậy cho người lao động khi về già có thu nhập cơ bản bảo đảm cuộc sống.
Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động khi về già, đúng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Để giúp người dân hiểu rõ những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần với người dân, nhất là người lao động tự do, từ đó người dân tích cực tham gia để về già có điểm tựa về tài chính, ổn định cuộc sống, không phải cậy nhờ, dựa dẫm vào con cháu.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dau-tu-dai-han-cho-tuong-lai-a111052.html