Đời sống Dậy hương bánh thuẫn ngày xuân
TTH - Những ngày cuối cùng của năm, khi cây hoàng mai trước ngõ rực vàng những chùm hoa, gia đình cũng đã dọn dẹp tổng kết vệ sinh xong đâu đấy, chúng tôi lại bắt tay vào làm những món mứt bánh chuẩn bị đón Tết. Và bánh thuẫn là món mà chị em tôi nghĩ đến trước tiên mỗi khi tết đến xuân về.
Từ trước đó một tháng, khi những chị mái mơ lần lượt đẻ trứng, mạ đã dặn: "Lứa trứng này không ai được đụng vào, để dành làm bánh thuẫn đó nghe!". Tôi là một đứa hay ăn trứng nhưng nghe nói để dành làm bánh thuẫn là tôi vui lắm, với bao nỗi háo hức mong chờ.
Chị em chúng tôi được mạ phân công mỗi người mỗi việc, đứa rây bột, đứa nhúm lò... Riêng mạ, mạ lấy từ trên chạn bộ khay đổ bánh xuống. Nó còn bám đầy khói bếp sau một năm ít khi được sử dụng đến. Mạ đem ra ảng nước chùi rửa sạch sẽ rồi úp cho ráo trước sân. Bộ khay đổ bánh thuẫn này được làm bằng gang, rất dày và nặng, đen bóng theo năm tháng từ hồi bà ngoại tôi còn sống. Xong xuôi đâu đấy mạ bắt đầu đổ trứng vào, chúng tôi lại chia nhau đánh trứng, mỗi đứa đánh một lát chẳng mấy chốc mà đã xong phần nguyên liệu cho việc đổ bánh. Khuôn tráng bánh đã nóng, mạ phết vào đó một ít dầu xong bắt đầu đổ bánh. Đây là công đoạn mong chờ thú vị nhất của chúng tôi.
Chị em chúng tôi ngồi chung quanh bếp lửa hồng, cùng mạ đổ bánh. Những ngạc nhiên, thích thú, xuýt xoa hòa lẫn mùi bánh thơm nức mũi. Các bạn cùng xóm nghe mùi bánh thuẫn thơm lừng cũng chạy sang nhà xem ké. Những chiếc bánh tròn tròn, nằm úp úp như những chú gà con bé bỏng, màu vàng mơ thật hấp dẫn gọi mời. Thi thoảng chúng tôi lại được mẹ cho những chiếc bánh không được đẹp, thích thật là thích.
Cái thú của đổ bánh thuẫn với chúng tôi không chỉ là háo hức ở những chiếc bánh dậy thơm mùi trứng, mà còn là những câu chuyện thú vị xung quanh dịp Tết cổ truyền. Chúng tôi được mạ kể cho nghe những phong tục tập quán, những điều kiêng cữ trong những ngày tết của người Việt Nam. Trong lúc đổ bánh, mạ không quên dạy cho chúng tôi những điều mà theo mạ là "con gái mai mốt đi lấy chồng, cần phải biết nữ công gia chánh!". Chúng tôi hồn nhiên, nhìn nhau cười khúc khích, mắt mũi chỉ chăm chú vào mấy cái bánh vừa ra lò ú nụ và hít hà hương thơm ngào ngạt chứ có để ý nhiều lắm đâu vào lời của mạ.
Ngoài ngõ, ba và đứa em trai đã khệ nệ bưng hai chậu bông thược dược mua về từ hội hoa xuân. "Mùi bánh thơm quá, hai cha con ở tận bên phố mà cũng nghe nên vội vàng về đấy!". Vừa nói thằng em vừa nhón một chiếc bánh gần đó bỏ vào miệng ăn ngon lành, mặc mạ tôi mắng: "Tay bưng chậu hoa dính đất cát còn chưa chịu rửa!". Cả nhà cười xòa, tiếng ríu ran chuyện trò bên bếp than hồng cứ mãi tí tách reo vui. Đó đây một vài nhà vang lên những khúc ca xuân rộn rã, bầy em nhỏ xúng xính những bộ áo quần còn thơm mùi vải mới, nhưng chỉ ướm thôi chứ chưa mặc vào vì còn để chờ đúng sáng ngày mồng Một.
Đêm giao thừa, bên mâm cơm cúng tất niên, mạ tôi đặt lên bàn dĩa bánh thuẫn. Trong mùi hương trầm ngào ngạt, tiếng mạ tôi lâm râm khấn vái, cầu mưa thuận gió hòa, cầu quốc thái dân an. Dĩa bánh thuẫn hiền lành, giản dị nằm chen lẫn trong những món ăn ngày tết, đậm đà hương, sắc, vị xuân.
Bạn qua bên kia nửa vòng trái đất, chiều nay gọi điện thoại về, đau đáu hỏi: "Nhà mi năm nay tết có còn đổ bánh không? Nhớ gửi sang cho tau một ít nghe, tau nhớ mùi trứng trong bánh, nhớ lắm mi ơi!"
“Ừ, nhà tau vẫn còn giữ thói quen đổ bánh, tau sẽ gởi sang mi kèm một nắm tiếng cười, mau thu xếp mà về quê ăn tết, về đổ bánh thuẫn cùng tau!".
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/day-huong-banh-thuan-ngay-xuan-a122767.html