Đời sống Đời sống Chăm lo đời sống, tái tạo sức lao động
TTH - Ngoài mục tiêu là không tai nạn, không sự cố, doanh nghiệp (DN) còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng thể chất của người lao động. Các DN cải thiện từ điều kiện, môi trường làm việc, chế độ tiền lương đến từng bữa ăn và chế độ nghỉ dưỡng của người lao động.
Điều kiện sống ngày một nâng cao nên bên cạnh giữ an toàn trong sản xuất, việc đảm bảo sức khỏe, tinh thần làm việc vui vẻ, thân thiện đang là nhu cầu thiết yếu của người lao động.
Trong dịp lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3 mới đây, ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế tổ chức cho chị em phụ nữ trong công ty cùng một số anh em vui chơi, giải trí một ngày thật ý nghĩa tại TP. Huế. Chị Phạm Thị Linh, công nhân bộ phận may của công ty trò chuyện, thỉnh thoảng các ngày lễ, kỷ niệm lớn, đơn vị tổ chức cho công nhân giao lưu, vui chơi tại chỗ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có lẽ nhờ "ăn nên làm ra", nên ngoài tăng chế độ tiền lương, đảm bảo đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, công ty còn bố trí, sắp xếp chương trình vui chơi, tham quan nhiều hơn, phong phú hơn, vì thế anh chị em rất phấn chấn.
Anh Lê Văn Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế cho biết, để động viên tinh thần lao động, cống hiến của cán bộ, công nhân viên công ty, trong những dịp lễ như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ngày Quốc khánh hay dịp kỷ niệm thành lập, ngoài thưởng tiền mặt, ban lãnh đạo công ty tổ chức các đợt đi tham quan, nghỉ dưỡng cho anh em. Điều này không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng được trí tuệ, năng lực của người lao động trong sản xuất, kinh doanh.
Việc nghỉ dưỡng, nâng cao sức khỏe và tham quan là hoạt động để nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần cho người lao động. Vì thế, trong xây dựng chương trình về an toàn vệ sinh lao động, các doanh nghiệp đều chú trọng đưa vào công tác chăm sóc, nâng cao đời sống, sức khỏe cho người lao động.
Với đặc thù công việc của công nhân lao động là làm ca, kíp, cường độ công việc cao và thường xuyên tăng ca, nên ít có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Thấu hiểu điều này, trong những năm gần đây, nhiều công ty hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đã bố trí diện tích đất trong khuôn viên nhà máy để xây dựng khu nghỉ giải lao giữa ca, trước và sau ca làm việc với nhiều tiện ích như không gian xanh gồm những cây bóng mát, cây ăn quả, thảm cỏ, cây cảnh; bàn ghế để nghỉ ngơi; sách báo, tivi; dụng cụ chơi thể thao như bóng bàn hay các bộ môn thể dục đơn giản, nhẹ nhàng… giúp người lao động có điều kiện tái tạo sức lao động, đảm bảo sức khỏe cho lao động sản xuất.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, nhà máy sản xuất trên địa bàn thực hiện chế độ bồi dưỡng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại đối với một số vị trí công việc đặc thù. Đơn cử như Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế có hơn 475 người trong tổng số gần 600 cán bộ, công nhân viên làm công việc mang tính độc hại, nặng nhọc, nên ngoài chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động, chế độ bồi dưỡng, công ty còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát chuyên sâu để phòng ngừa cũng như kịp thời chữa trị nếu không may bị mắc bệnh nghề nghiệp. Đơn vị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao và các phong trào thi đua. Nhờ đó đã xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/cham-lo-doi-song-tai-tao-suc-lao-dong-a112275.html