Đời sống Đời sống Giúp nhau mua bảo hiểm y tế
Tiết kiệm giúp nhau mua bảo hiểm y tế (BHYT) là cách làm được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh áp dụng và đã mang lại cơ hội được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhiều hội viên và gia đình.
Hiệu quả thấy rõ
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Châu Trân, hội viên phụ nữ thôn Giáp Trung, xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) đúng lúc chị vừa đi chợ về. Sau khi rót nước mời khách, chị Trân vào nhà mở tủ lấy ra một con heo đất, rồi gấp xấp tiền lẻ cho heo "ăn". "Đây là việc làm thường xuyên của tôi sau mỗi buổi đi chợ. Từ 3 năm nay, nhờ thói quen tích cóp này, tôi đã trút được gánh nặng khi đến hạn nộp BHYT cho cả nhà”, chị Trân cho biết.
Cách đây 5 năm, chị Trân đau phải nằm viện dài ngày nhưng do không có BHYT nên chồng chị phải cắt đất ở bán để lo tiền thuốc, viện phí cho vợ. Sau trận đau đó, chị nhận ra thẻ BHYT như là "bùa hộ mệnh" của các thành viên trong gia đình. Được Hội LHPN xã Hương Toàn vận động tham gia phong trào “Tiết kiệm heo đất mua thẻ BHYT hộ gia đình”, chị Trân liền tham gia.
Chị Nguyễn Thị Nhớ ở thôn Giáp Kiền kể, tuy gia đình không thuộc diện khó khăn, song khi đến kỳ đáo hạn thẻ BHYT, phải xoay xở một lúc gần 5 triệu đồng để mua BHYT cho các thành viên trong gia đình cũng vất vả. Thực hiện mô hình "Heo đất tiết kiệm" do Hội LHPN xã phát động, ngày nào chị cũng tiết kiệm bỏ heo đất từ 20 đến 50 ngàn đồng. Mỗi năm đến ngày "mổ heo", chị Nhớ không những đủ tiền mua thẻ BHYT cho gia đình mà còn góp tiền ủng hộ, tặng BHYT cho những chị khó khăn khác.
Cũng từ mô hình “Tiết kiệm heo đất mua BHYT hộ gia đình”, Hội LHPN xã Hương Thọ đã giúp nhiều hội viên dù kinh tế khó khăn vẫn đủ khả năng mua BHYT hàng năm cho các thành viên trong gia đình. Chị Mai Thị Huê ở thôn Hải Cát 1, xã Hương Thọ làm nghề buôn bán nhỏ, chồng đi phát rừng thuê, thu nhập bấp bênh lại nuôi các con ăn học nên trước đây dù biết mua BHYT phòng thân là cần thiết nhưng chị đành chịu. Những năm gần đây, được cán bộ phụ nữ vận động thực hành tiết kiệm nuôi heo đất, không áp lực bỏ tiền một lần nên năm nào gia đình chị cũng tham gia BHYT. “Có thẻ BHYT, mỗi khi cơn đau khớp tái phát tôi yên tâm đi viện khám, không gồng mình chịu đau như trước nữa”, chị Huê chia sẻ.
Chị Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Trà cho hay: Năm 2016, khi thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo Bác, Thị hội phát động mô hình “Tiết kiệm heo đất mua BHYT hộ gia đình”. Thời gian đầu chỉ một vài đơn vị tham gia, nay đã nhân rộng ra nhiều đơn vị trên địa bàn thị xã. Không chỉ hội viên khó khăn, mô hình này con thu hút nhiều hội viên có điều kiện tham gia. Mỗi thành viên lần đầu tham gia thực hiện mô hình sẽ được tặng một con heo đất. Mỗi năm, các đơn vị lại tổ chức mở heo một lần. Với những chị có điều kiện kinh tế, sau khi đập heo đã trích lại tiền tiết kiệm của mình ủng hộ những chị có hoàn cảnh khó khăn mua BHYT. Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN TX. Hương Trà đã giúp các hội viên mua hơn 3.200 thẻ BHYT thông qua hình thức tiết kiệm heo đất.
Linh hoạt
Được Hội LHPN phường Thủy Biều (TP. Huế) tạo điều kiện mua thẻ BHYT theo hình thức trả góp, nhiều người dân đã bớt lo lắng khi bệnh tật.
Chị Nguyễn Thị Lan Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Biều cho biết: Nhiều hội viên phụ nữ của phường còn khó khăn, thu nhập chủ yếu từ gia công làm hương, chăn nuôi nhỏ và lao động phổ thông. Với điều kiện như thế, vận động các chị bỏ ra một lúc 5 -7 triệu đồng mua bảo hiểm cho các tất cả thành viên trong gia đình là không dễ, trong khi ốm đau rủi ro xảy ra thì phụ nữ, trẻ em vẫn là đối tượng bị tổn thương hơn cả. Trăn trở trước khó khăn của hội viên, Hội LHPN phường đã tạo điều kiện cho hội viên vay trả góp từ số tiền tiết kiệm tự nguyện tại các chi hội. Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung ở tổ 3, phường Thủy Biều đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện TW Huế chia sẻ: “Nếu không có thẻ BHYT phòng thân thì bây giờ tôi đã buông xuôi cho số phận, chẳng dám đến bệnh viện lớn để điều trị, vì số tiền điều trị quá lớn”.
Hội LHPN phường Phú Thuận lại sử dụng tiền tiết kiệm từ heo đất vì phụ nữ nghèo, hỗ trợ sinh kế như máy làm hương, xe bán mì… cho các hội viên khó khăn với điều kiện các chị phải tích cóp từ nguồn sinh kế để mua BHYT hàng năm.
Theo chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, tiết kiệm giúp nhau mua BHYT là sự vận dụng linh hoạt sáng tạo trong việc thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo Bác của các cấp hội phụ nữ. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số hội phụ nữ khó khăn trên địa bàn tỉnh được các cấp hội phụ nữ hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhưng thực tế cách làm trên đã góp phần chăm lo lợi ích thiết thực cho hội viên, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
Bài, ảnh: Hải Thuận
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/giup-nhau-mua-bao-hiem-y-te-a79276.html