Đời sống Đời sống Hẩm hiu phận 'lộng'
TTH - Đi qua những làng chài ven biển mới thấy rằng, nghề lộng (đánh bắt gần bờ) đang hẩm hiu. Nghề biển ấy mấy thập kỷ trước không chỉ là kế mưu sinh chính của hàng ngàn hộ dân, mà tạo ra nét văn hóa đặc trưng của miền quê ven biển.
1. Làng chài ven biển nếu ai chưa từng đến cũng rất dễ hình dung. Bờ biển dài, trắng phau được bao bọc bởi rặng dương liễu. Đằng sau phía cồn dương, cát trắng ấy đi theo đường xẻ dọc sẽ là nơi cư ngụ của những phận đời ngư dân. Trong lịch sử, theo bước đường thiên di, tìm nơi ở, họ là quần tụ, lập làng theo dọc dài bờ biển. Chính biển cưu mang họ, giúp nghề ngư vùng lộng hưng thịnh đến nhiều thế kỷ.
Bây giờ, hãy đến những làng quê ấy, không khó nhận ra hàng dài thuyền nan đã cũ, có chiếc thủng đáy, mục ruỗng, vàng lưới cũng đắp chiếu nằm trên bãi bờ…
Lúc nào ghé biển bãi ngang, tôi thường nhớ về những người bạn thiếu thời còn gắn bó nghiệp ngư. Với tôi, họ đã thực sự dũng cảm khi quyết định gắn mình với con sóng. Nhưng nay, số “bạn biển” ấy thưa dần, thưa dần rồi vắng bóng. Ngay cả Mĩnh, anh bạn tự xem mình là bọt sóng bây giờ cũng đứt đoạn với con nước vùng lộng. Mĩnh bán thuyền, bán lưới sau non 2 thập kỷ theo đuôi cá tôm. “Không thể một mình chơi vơi giữa con nước”, Mĩnh nói gọn nguyên do và cả sự nuối tiếc sâu trong ánh mắt khi chia tay nghề lộng.
Không chỉ vùng đất ven biển Ngũ Điền (Phong Điền) – nơi Mĩnh sinh sống, số người theo nghiệp ngư vơi dần. Mĩnh cũng không phải vô lý bộc bạch sự cô đơn khi bám víu con nước, bởi đi biển không phải ai cũng đủ sức lực và can đảm một mình một thuyền.
Không lạ lẫm gì khi chúng ta tìm kiếm trên google dòng chữ “người trẻ không mặn mà nghề biển”, tất cả các địa phương, thậm chí hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước đây là thực trạng chung. Và đối với nghề lộng, sự chuyển tiếp thế hệ càng thêm khó. Tại bữa cơm chiều của ngư dân, vị mặn nồi cá kho không còn đủ hấp dẫn như mấy chục năm trước. Văn hóa làng biển cũng dần mai một theo thời gian. Thực tại, nỗi lo cơm áo gạo tiền dường như là quá lớn và nghề vùng lộng khó mà đáp ứng nhu cầu.
Tiêu đề của những bài báo hàng năm không thiếu cá tôm vùng lộng, chuyện ngư dân trúng đậm cá trích, cá khoai, cá nục khi vào mùa như là điệp khúc. Song, có ai ngờ rằng, đằng sau những thông tin ấy, những nụ cười “tạm bợ” ấy là hành trình đã khép lại. “Cá tôm bây giờ như khách, muốn đến muốn đi chẳng ai giữ được”, lời trần tình của ngư dân Nguyễn Ngọc Hương (thôn Đông Hải, xã Quảng Ngạn) như khu biệt hàng trăm thứ khó.
Vào mùa cá vùng lộng, mỗi thuyền nan thu về cỡ vài chục triệu rồi gác mái chèo, trừ chi phí mỗi bạn thuyền chia được cỡ hơn chục triệu là cùng. Số tiền ấy trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trong cả năm là điều không thể và họ đành chuyển nghề. Những ai tiếc nuối con nước thì vẫn giữ lại lưới, thuyền. Vào mùa cá đạp sóng như chỉ tìm về ký ức.
Dẫu so sánh luôn khập khiễng, nhưng phận ngư dân vùng lộng luôn thiệt thòi so với những ngư dân đang ngồi trên tàu lớn phía ngoài xa. Sản lượng tàu cá xa bờ tính theo tấn, còn ngư dân vùng lộng nhiều lúc phải đếm từng con, trong khi miếng cơm ngư dân đút vào bụng cũng chẳng khác nhau là mấy. “Vị trí vùng biển không cho phép chúng tôi đầu tư tàu to, lưới rộng. Nhưng sản lượng đánh bắt thấp theo hàng năm khiến ít người mặn mà. Thả lưới trong lộng, thấy tàu lớn ngoài kia càn quét (giã cào – PV) càng thêm tủi…”, ông Hoàng Phong (xã Phong Hải, Phong Điền) nói.
Rặng dương liễu phía cồn cát còn đó, những chiếc thuyền vẫn sắp hàng dài trên bãi bờ, nhưng màu bàng bạc của thời gian khiến những ngón nghề vùng lộng vơi dần theo năm tháng. Chỉ có điều, ngư dân không vì thế rời làng biển. Nhìn những nấm mồ cá “ông”, những ngôi đền làng biển vẫn còn hiện diện, hàng ngày ngư dân đều đặn hương khói đủ hiểu thời gian không xóa nhòa tình yêu với biển của ngư dân vùng lộng…
2. Những ai muốn tìm một chút thăng hoa của ngư dân vùng lộng thì tôi khuyên rằng hãy tìm giới săn ảnh. Từ họ bạn sẽ không khó thấy được những khoảnh khắc mà tạo hóa đã ban cho ngư dân. Một ngư dân lực lưỡng trần mình đối chọi con sóng vươn khơi; một hàng dài ngư dân đi giật lùi làm nghề lưới rùng dưới ánh bình minh chớm đỏ; những “cánh bướm” lưới xăm vần vũ trên mặt nước xanh biếc đánh bắt ruốc hay những bữa cơm vội với nồi cá hơi ngay trên mạn thuyền nan… Tất cả những hình ảnh ấy từ lâu đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng lộng. Ngư dân muốn tàu to, máy lớn chẳng dễ gì có được.
Ngay cả tôi khi nhìn những hình ảnh ấy cũng cảm thấy luyến tiếc. Tiếc cho văn hóa làng biển và tiếc cho sự mai một của những nghề đánh bắt cổ xưa. Có lần, trò chuyện với một nhà nghiên cứu, vị này gợi mở về phương án bảo tồn những nghề cổ xưa của cư dân vùng lộng. Có hai điều trăn trở đó là sự chuyển tiếp thế hệ để lưu giữ và cả câu chuyện mưu sinh thực tại dễ gì tìm lời giải.
Có cảm giác rằng, phần đời vùng lộng dường như dần bị lãng quên, như cách họ âm thầm rút lui khỏi con nước. Trong tiếng vỗ bờ của sóng biển, người ta thường nhắc đến tàu to, máy lớn. Ai còn nhớ rằng, thuở sơ khai của những con tàu cả ngàn mã lực như hiện nay bắt nguồn từ chiếc thuyền nan nhỏ bé giữa trùng khơi. Ngành công nghiệp đóng tàu cũng bắt đầu từ những thanh nan tre mỏng manh kết thành đáy thuyền. Nói thế không phải để trách cứ mà để thấy hồi ức, quá khứ là thứ gì đó phải luôn được trân quý.
Chắc hẳn bây giờ, ai cũng thú vị khi có dịp trải nghiệm bủa lưới đăng cá trích về đêm cùng ngư dân vùng lộng, để rồi thưởng thức mùi hương thơm lừng từ con cá nướng trên ánh than hồng; hay bạn cũng không thể nào quên cảm giác ngồi trên mạn thuyền ngắm đàn ruốc “khiêu vũ” đỏ cả mặt nước và tận tay sàng những con ruốc nhỏ bằng đầu que tăm phơi ngay giữa cái nắng hanh hao xứ biển… Nhắc qua thế nhiều người liên tưởng đến loại hình du lịch trải nghiệm đang lên ngôi trong thời hiện đại.
Du lịch trải nghiệm nói cho cùng cũng hướng về những thứ đời thường, dân dã nhất. Sức hút của loại hình này không đến từ một khách sạn hạng A, resort sang trọng với đầy đủ tiện nghi, dịch vụ mà chuyến đi đó bạn được hòa mình vào thiên nhiên cùng khám phá đời sống cư dân bản địa, đặc biệt sẽ được trải nghiệm những hoạt động văn hóa đặc sắc.
Ngang đây, việc bảo tồn nghề đánh bắt vùng lộng như lời gợi ý của nhà nghiên cứu trên dường như có thể được gỡ khó. Hãy để ý mà xem, hầu như tất các làng quê ven biển ở đâu cũng có bãi tắm cộng đồng, chỉ có điều, sự hiu hắt, buồn tẻ và thiếu vắng dịch vụ khiến các địa điểm này ít ai ngó ngàng. Song, vẻ hoang sơ và cả sự nguyên bản của vùng đất dường như chưa chịu sự tác động nào đáng kể đến từ bàn tay con người. Du lịch trải nghiệm chắc chắn sẽ có đất sống, quan trọng là cách làm mà thôi.
Bây giờ, theo thời gian, ngư dân vùng lộng không mặn mà theo đuôi cá tôm, bởi có cải tiến nghề cũng khó trụ vững. Dù vậy nói về cách đánh bắt cá cổ xưa, họ sẽ vanh vách từng chi tiết một, điều ấy đủ hấp dẫn níu kéo du khách ở lại cùng họ để trải nghiệm với nghề. Chừng ấy thôi chí ít cũng lưu giữ được những ngón nghề đã hình thành nên văn hóa và hơn hết để phận lộng vơi bớt hẩm hiu.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ham-hiu-phan-long-a105096.html