Đời sống Đời sống Nhà mình có hoa
Má tôi phụ ba loay hoay cắm mấy cành mai nhỏ gầy vào chiếc bình cũ, rồi chừng như thở nhẹ khi nói, không biết mấy ngày tết, nhà mình có hoa không…?
Đó là một chiều cuối năm 1980. Tôi nhớ hoài dáng gầy của má, của ba dưới ánh sáng nhá nhem trong căn hộ tập thể. Ngày đó, tết vẫn là cảm giác thòm thèm chờ đợi, và có gì đó xa xỉ lắm với những chiếc bánh in bọc giấy ni lông xanh đỏ, mùi thơm từ mẻ bánh thuẫn má đổ, mẻ mứt gừng vừa vào keo và mấy chai rượu cam, rượu chanh mà ba trang trọng đặt lên mặt tủ. Riết rồi, mọi thứ cũng qua, chỉ câu hỏi lửng lơ của má thì còn mãi đến bây giờ.
Ba tôi không có nhiều tiền, nhưng nỗi xót xa trong mắt ông thì đầy lắm, khi chiều 30 hàng năm lại cứ bần thần đứng nhìn những người bán hoa thu dọn các chậu cây. Cũng có khi mắt ông thật ấm dù chỉ mang được một ôm cúc vạn thọ về nhà. Nhưng rõ ràng là tôi nhớ sáng tết đầu tiên năm 1980 đó, giọng ba thật vui lúc nói với má về mấy bông mai vừa kịp nở. Nhớ ba đứng thật lâu dưới gốc mai trước cửa khi lên nhà nội. Chưa đủ lớn, nên ngày đó không biết trong ba có nỗi nhớ da diết lắm khi bảo, gốc hoàng mai này có từ ngày ba chưa rời Huế ra Bắc kháng chiến. Ngày đó, bà nội con còn khỏe. Mấy món nội nấu thật thơm và thật ngon…
Có lẽ thừa hưởng được chút ít từ ba, nên tôi cũng thường mang hoa về vào những bâng khuâng chiều 30. Má tôi cũng không còn hỏi khi mô nhà mình có hoa nữa kể từ lúc theo con gái út đến nơi ở mới và mỗi sáng, mỗi chiều lại lọ mọ chăm mấy gốc chuỗi ngọc và hoa chuối nơi hàng rào. Có năm gốc hoàng mai duy nhất bên hàng hiên đổ bệnh, lá già xạm rồi vàng uột đi trong dáng cây tong teo, tôi về lúc nào cũng thấy má quanh quẩn ở đó để xới đất, thêm phân hữu cơ, tưới nước và trò chuyện với mai y như với người. Nhờ má, cũng có khi là nỗ lực cứu cây của người đến từ xứ hồng diệp mai là chồng tôi, hoàng mai đã trụ lại và xanh cùng nhà tôi. Mà người xứ hồng diệp mai nớ, cũng mang về một cành mai xum xuê mua ở phía Đàn Nam Giao vào một chiều cuối năm, rồi hí hoáy đặt vào chiếc bình cũ có tuổi đời ngót trăm năm được hàng xóm tặng từ lâu. Sự xuất hiện của cội mai làm ấm và thơm cả gian khách. Ra giêng, khi tiễn cành, người nhà đã quay lại nói với tôi, rằng ngó mà thương quá, nên nhà mình sẽ không bao giờ cắm hoàng mai nữa. Rứa là từ thương người (bán) đã chuyển sang tội cây rồi.
Biết bạn “định vị” hoàng mai bằng Google, và những mùa trở lại, bạn vẫn chưa có dịp chạm ngõ, nên tôi đã huyên thuyên rất nhiều về hoàng mai xứ Huế bằng những cảm nhận của riêng mình, trong một ngày mùa xuân thì thầm về. Không biết bạn nghe và nhớ được bao nhiêu, nhưng tôi đã men theo và phác họa tất cả bằng ký ức của những cành mai gầy guộc lần đầu tiên hiện diện để nhà mình có hoa. Nói về hương hoa dìu dịu khẽ khàng nhưng phải thật an yên mới có thể “lắng nghe” và có khi, bằng những bước chân chầm chậm qua những ngôi nhà hiền hòa, người đi chừng như cũng thưởng được vị trà qua màu khói. Rất thanh nữa là tà áo dài vàng mơ thấp thoáng sau khung gỗ nâu. Tôi nói với bạn về triền hoàng mai bên bờ sông Hương như một sự hiện diện rất Huế khi vào trung tâm thành phố. Không biết bạn có hình dung được màu vàng thanh thoát xao động của những cánh mai mỏng mảnh, nhưng lời hứa sẽ trở lại vào một ngày còn xuân đã làm hoàng mai của tôi xốn xang nấn ná.
Khu vườn của nội tôi giờ có thêm nhiều ngôi nhà. Những cây trứng gà trĩu quả năm xưa đã trở thành ký ức. Gốc hoàng mai của nội cũng đã dời qua nơi khác. Ít lâu nữa, sẽ có một cây cầu từ bờ bắc vươn sang chốn này. Thay đổi là điều không thể khác, nhưng sẽ còn mãi dư vị thơm thảo khi chúng ta thay đổi và biết cách thay đổi. Chỉ mong là vẫn giữ được màu, níu được vị khi nghĩ về cốt cách hoàng mai...
Ba tôi chưa hề có cơ hội để đặt vào đất một gốc hoàng mai của chính mình. Những xót xa của tôi khi nghĩ về điều này rồi cũng được khỏa lấp phần nào khi nghĩ về tình yêu của ba dành cho mọi người và yêu thương của con cháu dành cho ông mỗi khi tụ về. Điều mà ba có, là trao cho cuộc đời sự dung dị, ấm áp. Để chúng tôi tự mình lớn lên.
Qua những ngày mai được nhặt lá, sẽ là chờ đợi của vàng hoa. Tôi biết Huế mình có hoa và nhà mình có hoa, và cho dù thời tiết có cực đoan như thế nào đi chăng nữa, hoàng mai vẫn là chủ thể của Huế mỗi khi lắng nghe mùa xuân về. Những cánh hoa và màu lá non xanh không phải chỉ là một nốt trầm xao xuyến mà đã trở thành bản hòa tấu khẽ khàng, dịu êm mà an yên chi lạ…
Hoàng Mai
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nha-minh-co-hoa-a109282.html