Đời sống đồng bào Khmer xã Viên An không ngừng được cải thiện

Xã Viên An là 1 trong 3 địa phương của huyện Trần Đề có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đảng bộ xã đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer, giảm dần hộ nghèo, hộ khá giàu tăng nhanh, tạo diện mạo mới đối với địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Ông Liêu Son, ở ấp Bưng Sa, xã Viên An bộc bạch: "Xuất thân từ hộ nghèo, lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng, không đất sản xuất, phải đi làm thuê để kiếm sống. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, địa phương hỗ trợ đất cất nhà ở, đất sản xuất, nhờ gia đình trồng màu, kết hợp nuôi gia cầm, nuôi cá… nên có đồng vốn kha khá, gia đình mua 2 con bò cái. Sau 10 năm, đàn bò sinh sản gần 20 con, cộng với các nguồn thu khác, mỗi năm thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Trả xong vốn vay ngân hàng, gia đình tôi tiết kiệm mua thêm 2 công đất. Đến năm 2019, dành dụm tiền xây dựng căn nhà tường khang trang, trị giá vài trăm triệu đồng".

Cầu và đường Ngã 3 An Sương, địa bàn ấp Bưng Sa được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: TS

Cầu và đường Ngã 3 An Sương, địa bàn ấp Bưng Sa được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: TS

Đồng chí Triệu Hường - Chủ tịch UBND xã Viên An cho biết: "Đảng ủy, UBND xã huy động cả hệ thống chính trị của địa phương xuống từng hộ nghèo để tìm hiểu thực tế từng gia đình, từ sinh hoạt, sản xuất, việc học hành con em, chăm sóc sức khỏe khi đau ốm, nhà ở đến việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước… Sau khi tìm hiểu, Đảng ủy, UBND xã tổ chức họp dân tại cơ sở công khai các tiêu chí theo quy định hộ nghèo và hỗ trợ các chính sách đối với hộ nghèo chí thú làm ăn. Sau khi được sự đồng thuận của nhân dân và theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của địa phương, hiện trên địa bàn xã có 30% hộ có cơ sở sản xuất, kinh doanh ổn định; 50% hộ phát triển sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập chưa cao; số còn lại chưa lo lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Qua khảo sát thực tế, nguyên nhân một phần dẫn đến hộ nghèo chiếm khá cao là do cơ sở hạ tầng ở các ấp chậm phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Khmer địa phương".

Ngay từ đầu năm 2011, Đảng ủy, UBND xã triển khai thực hiện chủ trương của trên về xây dựng nông thôn mới, từ đó chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", được nhân dân đồng thuận cao. Có khoảng 40 hộ khá giàu, các mạnh thường quân trong và ngoài xã đã tự nguyện hiến gần 2ha đất, trị giá 2,3 tỉ đồng. Nhân dân địa phương đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, để cùng đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Kết quả, năm 2020 trên địa bàn 4/4 ấp đều được đầu tư mạng lưới điện phục vụ sinh hoạt, đường, cầu giao thông nông thôn, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm cung cấp nước sạch hợp vệ sinh và các công trình phúc lợi xã hội khác đều được đầu tư xây dựng kiên cố rộng khắp trên địa bàn, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer sinh.

Địa phương được đầu tư xây dựng trường học, nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào Khmer. Ảnh: TS

Địa phương được đầu tư xây dựng trường học, nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào Khmer. Ảnh: TS

Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Tiếp Nhựt Lý Hữu Trí cho biết: "Nguồn vốn tự có và vốn hỗ trợ của Nhà nước đã giúp hộ nghèo khôi phục và phát triển lại đàn heo (sau dịch tả heo châu Phi). Chúng tôi đến nhà vận động từng hộ phải đảm bảo chất lượng con giống, chuồng trại theo quy định. Hiện có gần 300 hộ nghèo được tái đàn heo đều chấp hành tốt công tác đảm bảo môi trường trong chăn nuôi. Ngoài ra, ấp còn triển khai chủ trương của trên giúp hộ nghèo sản xuất lúa bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra, để đồng bào Khmer có điều kiện khôi phục sản xuất trong mùa vụ tới. Đồng thời, khuyến cáo các hộ không vứt rác thải bừa bãi và các loại hóa chất hết hạn sử dụng, vứt túi nilông ra đường, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và kết hợp với xã, hợp đồng cơ quan chức năng thu gom rác thải trên địa bàn ấp, được 100% hộ đồng thuận cao, giúp hộ nghèo nâng cao ý thức vì sức khỏe cộng đồng".

Ấp Bưng Sa nằm cách trung tâm xã không xa, nhưng đường sá chậm phát triển, ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân. Kể từ khi được trên hỗ trợ, xã mở rộng tuyến lộ đal ngang 3,5m, dài gần 4km nối liền với 4 ấp và trung tâm xã, giúp nhiều hộ Khmer nghèo nơi đây phất lên khá giàu bền vững từ sản xuất nông nghiệp. Chị Thạch Tươi, ở ấp Bưng Sa bộc bạch: "Nhà nghèo, chỉ biết bắt cá, tép mưu sinh qua ngày. Kể từ khi được cấp nhà tình thương, lộ sá mở rộng, nên việc mua bán cũng thuận tiện hơn so với trước, gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó".

Đồng chí Triệu Hường cho biết thêm: "Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và sự nỗ lực quyết tâm của cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn Đảng bộ xã, xã đã huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã, hiện Viên An cơ bản hoàn chỉnh các tiêu chí về phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Có 98% hộ Khmer đều có nhà ở kiên cố, tỷ lệ hộ khá giàu tăng nhanh so với trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống ở mức thấp, bộ mặt địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống của huyện Trần Đề ngày thêm khởi sắc. Để phục vụ đồng bào Khmer địa phương vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2020, địa phương sẽ đưa vào sử dụng 3 tuyến lộ đal và 3 cầu giao thông nông thôn ở các ấp vùng nông thôn sâu của xã, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho đồng bào Khmer Viên An nhân ngày tết cổ truyền của dân tộc".

Thanh Sơn

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/doi-song-dong-bao-khmer-xa-vien-an-khong-ngung-duoc-cai-thien-36434.html