Đời sống Giữ hồn quê qua từng chiếc nón
TTH - Không chỉ góp phần bảo tồn được nghề chằm nón cho quê hương Vân Thê một thời nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Kiềm còn là một hội viên phụ nữ tiêu biểu, luôn tham gia tích cực các hoạt động của cấp hội phụ nữ cơ sở.
Nón lá Huế đã ghi đậm dấu ấn tài năng và sự cần cù của nghệ nhân xứ Huế. Ảnh: D. Trương
Trên trang facebook cá nhân, bà Nguyễn Thị Kiềm tức cảnh: “Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn/Nhớ thăm nhà nông cụ có nón thêu làm quà”. Nón thêu ở đây là nón lá làng Vân Thê của cơ sở nón lá do chính bà Kiềm làm chủ. Có người hỏi đùa, bà Kiềm tỉnh bơ: “Nón miềng làm miềng phải quảng bá chớ hì”.
Nghề chằm nón lá đã gắn với tên tuổi của làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy từ năm 1553 (Địa chí Hương Thủy, NXB Thuận Hóa, năm 1998). Theo lời bà Kiềm, từ những năm 1990 về trước, xã Thủy Thanh có đến hàng trăm hộ dân theo nghề chằm nón. Thế nhưng, ngày ấy sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên dần dần nhiều người phải bỏ nghề chuyển sang nghề khác mưu sinh. Riêng ở thôn Vân Thê Nam chỉ còn một vài hộ đeo đuổi nghề làm nón, trong đó có gia đình bà Kiềm. Lo nghề truyền thống của cha ông mai một nên năm 2012, được sự khuyến khích của cấp hội phụ nữ cơ sở, bà Kiềm đứng ra vận động một số hội viên, phụ nữ yếu thế, nghèo, khuyết tập, phụ nữ nông nhàn, không có việc làm, tiếp tục làm nghề nón, thành lập cơ sở nón lá với tên gọi “Cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm”.
“Bán được sản phẩm thì người làm nón mới có thu nhập. Nghĩ thế, nên ngoài khâu quảng bá sản phẩm, tui còn tham gia nhiều lớp tập huấn và tự học hỏi để sáng tạo ra các mẫu nón đẹp để cạnh tranh trên thị trường”, bà Kiềm chia sẻ. Sau khi tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, bà Kiềm nghĩ đến chuyện đào tạo nghề và dạy nghề cho chị em phụ nữ trong thôn, xã. Đặc biệt, đối tượng bà Kiềm hướng đến là những phụ nữ không may bị khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam không thể làm những công việc nặng nhọc. “Chúng tôi rất biết ơn bà Kiềm khi bà đã không ngần ngại truyền nghề làm nón mà còn tạo công việc làm để chúng tôi có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và con cái…”, bà Chế Thị Nhơn, một phụ nữ khuyết tật xúc động nói.
Sản phẩm nón lá của cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm đã tham gia và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong nhiều năm (2015, 2017 và 2021). Đồng thời, đã tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như Festival nghề truyền thống Huế 2015, 2017 và 2019; chứng nhận tham gia đào tạo thiết kế sản phẩm, quảng diễn sản xuất nghề tại các sự kiện xúc tiến thương mại.
Đáng nói hơn là, giờ đây bà Kiềm đã khôi phục được nghề chằm nón để phục vụ khách du lịch và cung cấp cho các chợ. Hơn thế, du khách muốn trải nghiệm thì đến cơ sở làm nón để được hướng dẫn các công đoạn làm nón và được trực tiếp tham gia từ ủi lá, xếp lá, lên khuôn đến chằm nón. Nhiều du khách sau khi tham quan tại đây đã đặt hàng và chọn mua sản phẩm để làm quà lưu niệm. Điều mà nhiều du khách cảm nhận được là, để có được một chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, các nghệ nhân nón lá đã phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn và khéo tay.
Cơ sở nón lá của bà Nguyễn Thị Kiềm đã tham gia Hội Nón lá Huế, sản phẩm nón lá ở làng nghề thuộc khu vực địa lý của nón lá Huế, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dan đại lý. Thật vui khi biết rằng, với công đầu của bà và “Cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm”, ngày 10/8/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1915/QĐ-UBND, công nhận nón lá Vân Thê là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giu-hon-que-qua-tung-chiec-non-a119100.html