Đời sống Không để người chết 'lấn' đất người sống - kỳ 2: Hướng đến phương thức hỏa táng
TTH - UBND tỉnh đã có nhiều văn bản về việc quy hoạch tổng thể, xây dựng, quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh. Lộ trình thực hiện quy hoạch, số lượng và quy mô nghĩa trang do Nhà nước xây dựng và quản lý tăng lên, số lượng và quy mô diện tích đất do Nhân dân mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch ngày một giảm dần, tiến tới chấm dứt việc mai táng, xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch, hướng đến phương thức hỏa táng.
Quy hoạch gắn với việc thực hiện
Từ năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí các địa phương buộc phải đạt là quy hoạch cho được các khu nghĩa trang nhân dân (NTND) cấp xã, huyện. Đến nay, hầu hết các địa phương đều đã quy hoạch tổng thể về các khu nghĩa trang cấp xã, huyện. Tuy nhiên, dù đã có quy hoạch, nhưng người dân vẫn chọn các khu nghĩa địa truyền thống để mai táng, xây dựng lăng mộ vì các khu quy hoạch nghĩa trang các xã chưa đầu tư hạ tầng, khó khăn trong việc chôn cất, xây dựng lăng mộ.
Theo ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phong Điền, hiện nay diện tích đất lăng mộ trên địa bàn huyện nằm rải rác nhiều nơi, kể cả trong khu dân cư, đồng ruộng. Hầu hết các xã vẫn chưa cắm mốc, công bố các khu vực nghĩa trang, nghĩa địa phải di dời, đóng cửa. Công tác di dời các nghĩa địa nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư, đồng ruộng chưa được thực hiện. Nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng tranh giành, chôn cất mới trong khu vực nghĩa địa đã quy hoạch di dời, đóng cửa, khiến vấn đề càng thêm phức tạp.
“Từ năm 2015 đến nay, UBND 15/16 xã, thị trấn đã quy hoạch chi tiết NTND (trừ xã Phong Sơn) và đã được huyện phê duyệt. Nhiều dự án (DA) hạ tầng nghĩa trang đã được lập ra để triển khai hướng đến đưa việc mai táng, xây dựng lăng mộ vào nề nếp”, ông Nghiễm nói.
Không như Phong Điền, Phú Vang không quy hoạch NTND ở các xã mà quy hoạch nghĩa trang cấp huyện phục vụ cho việc mai táng, xây dựng lăng mộ cho Nhân dân. Từ năm 2008, UBND huyện Phú Vang đã tiến hành xây dựng NTND tại xã Phú Xuân (giai đoạn 1, 2) với diện tích 13,64 ha, gồm 15.297 lô mộ cải táng, 2.303 lô mộ an táng và diện tích giao thông, cây xanh, công trình phụ trợ. Nghĩa trang ra đời đã phục vụ việc cải táng di dời mộ tại DA xây dựng Khu đô thị An Vân Dương và phân bổ việc chôn cất người chết ở thị trấn Phú Đa, xã Phú Mậu, Phú Dương, Phú Mỹ, Phú An, Phú Thanh; đồng thời đóng cửa các nghĩa địa tự phát ở các xã trên.
Ông Huỳnh Văn Đức, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang thông tin, hiện nay, huyện đang tiếp tục triển khai mở rộng giai đoạn 3 NTND Phú Xuân với diện tích thêm 4,7ha; đồng thời triển khai xây dựng NTND tại xã Phú Diên với quy mô 5,1ha, bao gồm 3.908 lô mộ cải táng, 762 lô mộ an táng và giao thông, cây xanh, công trình phụ trợ… đáp ứng nhu cầu di dời và chôn cất mồ mả của Nhân dân vùng biển như: Vinh Thanh, Vinh Xuân, Phú Diên…
Ông Hoàng Tiến Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, việc xây dụng, quản lý, sử dụng nghĩa trang phải thực hiện theo quy định của Nghị định 23/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ và đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021. Quy hoạch nghĩa trang phải tính đến các phong tục, tập quán về mai táng ở địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường và sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm; các địa phương cũng cần xác định các nghĩa địa hiện hữu cần di dời. Đối với các nghĩa trang có hình thức mai táng là hung táng và chôn một lần tuyệt đối không được đặt trong đô thị. Đến nay, hầu hết các địa phương đã xác định các địa điểm quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn và tiến hành đầu tư xây dựng, về cơ bản đáp ứng nhu cầu chôn cất của người dân. Tuy nhiên, câu chuyện người dân không chôn cất người chết trong nghĩa trang theo quy hoạch mà chôn ngoài nghĩa địa đã cấm chôn thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm vận động và xử lý. Ngoài việc quy hoạch, các địa phương cần phải đầu tư xây dựng hạ tầng, ban hành quy chế, quy định quản lý nghĩa trang trên địa bàn để làm cơ sở cho công tác quản lý mai táng đảm bảo quy hoạch.
Phát huy vai trò nghĩa trang tỉnh
Từ năm 2000, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã xây dựng và đưa vào sử dụng 2 NTND phía nam (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) và phía bắc (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, nay thuộc TP. Huế) để phục vụ nhu cầu mai táng, cải táng cho người dân có nhu cầu và phục vụ việc di dời lăng mộ ở các khu vực giải tỏa. Quy mô 2 nghĩa trang trên với diện tích 75,5ha, tương đương 65.434 ô mộ (5m2 dành cho mai táng, 3m2 dành cho cải táng có chủ và 0,6m2 dành cho cải táng vô chủ).
Sau khi đóng cửa do quá tải, năm 2012, NTND phía nam được đầu tư xây dựng mới tại xã Thủy Phù, Hương Thủy với tổng diện tích là 40,78ha. Riêng NTND phía bắc tại phường Hương Hồ được mở rộng thêm 29,12ha.
Ông Trần Quốc Khánh, Tổng giám đốc HEPCO cho biết, công ty là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý các nghĩa trang của tỉnh. Từ khi xây dựng và đưa 2 nghĩa trang phía nam và phía bắc vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu an táng và cải táng cho Nhân dân thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Tính đến tháng 9/2021, tổng số ô mộ đã cấp là 92.267 ô mộ (an táng là 18.089 ô mộ, cải táng là 78.178 ô mộ), còn lại khoảng 60.550 ô mộ chưa cấp (15.407 ô mộ an táng, 45.143 ô mộ cải táng).
“Với diện tích còn lại khoảng gần 20ha, các nghĩa trang phía bắc và nam sẽ đầy vào năm 2023. Nhằm phục vụ tốt nhu cầu chôn cất của người dân cũng như phục vụ di dời lăng mộ các DA trên địa bàn tỉnh, HEPCO đã đề xuất với UBND tỉnh cho quy hoạch xây dựng thêm NTND phía bắc và phía nam thành phố Huế. Hiện nay, tỉnh đang giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư lập quy hoạch mở rộng NTND phía bắc thêm 20ha và xây dựng mới NTND phía nam với diện tích 100ha tại xã Phú Sơn, Hương Thủy. Chủ trương của UBND tỉnh là khoanh vùng, di dời các nghĩa địa nhỏ lẻ vào nghĩa trang tập trung và tiến hành quy hoạch mở rộng 2 nghĩa trang tập trung phục vụ liên huyện trong việc chôn cất, cải táng di dời ở vùng phía bắc, vùng phía nam tỉnh”, ông Khánh khẳng định.
Xã hội hóa và hướng tới hỏa táng
Ngoài các nghĩa trang do tỉnh, huyện, xã quy hoạch xây dựng thì công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư nghĩa trang cũng được tỉnh chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 DA công viên nghĩa trang, đó là Hương An Viên và Vườn Địa Đàng, góp phần phục vụ tốt nhất cho người dân trong việc mai táng, xây dựng lăng mộ, đảm bảo môi trường, cảnh quan.
Công viên Vĩnh hằng Vườn Địa Đàng Huế được UBND tỉnh ra quyết định chủ trương đầu tư số 1377/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 và được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 13/GPXD ngày 25/10/2018. Công trình do Công ty CP Nhật Tiến Huế làm chủ đầu tư trên diện tích 26ha tại phường Thủy Phương và xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, nay phần diện tích xã Thủy Bằng thuộc TP. Huế). Nơi đây sẽ là điểm “an nghỉ” vĩnh hằng cho người có nhu cầu về dịch vụ an táng, cải táng, hỏa táng.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Nhật Tiến Huế cho biết, Công viên Vĩnh hằng Vườn Địa Đàng Huế có tổng vốn đầu tư là 200 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như: nhà quản trang (điều hành), nhà xưởng chế tác, tượng A di đà, hệ thống giao thông, cây xanh, vườn hoa, hồ, suối, khu nhà hỏa táng… được phân thành 15.000 ngôi mộ và nơi lưu giữ tro cốt. Hiện nay, có khoảng 30 người đã đăng ký lô mộ và đã có 1 người hỏa táng tại đây. Với việc quy hoạch tổng thể bài bản, thẩm mỹ và không gian sinh thái lý tưởng còn có sự quản lý chuyên nghiệp cùng nhiều dịch vụ mới sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong mai táng, chôn cất người chết…
Trước tình hình quỹ đất nghĩa trang ngày càng hạn hẹp, dịch COVID-19 kéo dài và phức tạp, HEPCO đã đề xuất UBND tỉnh kêu gọi đầu tư DA xây dựng cơ sở hỏa táng tại NTND phía nam xã Thủy Phù và đã được UBND tỉnh thống nhất cho triển khai thực hiện. Theo kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh về thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ sở hỏa táng dự kiến bước đầu phục vụ chủ yếu cho thành phố Huế và các vùng phụ cận. Quy mô ban đầu đáp ứng cho khoảng 5-10% nhu cầu mai táng.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đưa việc hỏa táng người chết vào hoạt động, nhất là trong thời kỳ COVID-19 bùng phát như hiện nay. Đây là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo môi trường vừa không lãng phí tiền bạc, nguồn đất đai xây dựng lăng mộ. Giá đất ngày càng tăng cao, có những hộ gia đình phải chen chúc từ 2 đến 3 thế hệ, thậm chí 4 thế hệ trong 1 ngôi nhà. Ngoài công tác vận động người dân mai táng, xây dựng lăng mộ theo quy hoạch, dành đất cho người sống, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần phải tuyên truyền, thay đổi, nâng cao nhận thức, tập quán để hướng đến phương thức hỏa táng...